Những mảnh hồn phiêu bạt ...

Bùi Thượng Phong

Tôi gặp và quen với chị Trâm trong một tiệm phở hiếm hoi của thành phố Columbus thuộc tiểu-bang Ohio, vào một ngày hè năm 2010.

Thấy tôi có vẻ giống một người Việt, chị tự ý đến bàn tôi trước để làm quen. Chị than là ở cái tỉnh bơ vơ giữa lòng nước Mỹ này, thật không phải là dễ khi kiếm được một người đồng-hương để nói chuyện! Tôi đồng ý với chị, mời chị ngồi và ngỏ lời khen, vì chị đã biết tìm đúng chỗ: một tiệm phở !

Quả thật tình đồng-hương đã gắn kết chúng tôi thân mật với nhau thật dễ dàng. Qua những câu chuyện và lời tự giới thiệu, tôi biết chị sinh trưởng trong một gia đình "có-công-với-cách-mạng". Năm 1977, khi chị mới 2 tuổi, cha chị đã hy-sinh tại mặt trận Tây-Nam (Campuchia). Mẹ chị là đảng-viên, có chức, có quyền tại tỉnh nhà. Ngay từ những ngày còn rất trẻ, chị đã được gửi đi du học tại Úc . Và khi trưởng thành, chị nhanh chóng trở thành một giáo-sư ngoại-ngữ, căn-bản là Anh-Văn, môn học mà chị có năng khiếu nhiều nhất.

Bình thường, tôi không thấy hào hứng lắm khi phải nói chuyện với một người có một lý-lịch như của chị Trâm. Nhưng với vẻ hồn-nhiên của chị ngày hôm đó, nhất là sự thành-thực, cởi mở, và vô-tư của một người sinh ra sau chiến-tranh - một cuộc chiến mà chị không biết gì nhiều - đã làm thay đổi cảm nghĩ của tôi, và tôi đã phải nhìn chị như là một, trong những người trẻ tương lai của đất nước .

Là một giáo-sư xuất-sắc trong thành phố, chị còn góp phần không nhỏ trong việc truy tìm hài-cốt các liệt-sĩ. Nhờ vậy, cộng thêm sự vận-động của bà mẹ, một lần nữa chị lại nhận được một học-bổng du học, lần này tại Hoa-Kỳ. Chị rất phấn khởi, để hết tâm theo học và cho đến hôm nay, chị đã qua được gần hết 2 năm đầu cho chặng đường tiến đến một psychology degree.

Tôi có hỏi đùa tại sao chị lại chọn một môn học "bí-hiểm" tại một tiểu-bang xa xôi này ? Chị cho biết phải chọn Ohio University là vì ở đây, học phí tương đối thấp so với các tiểu-bang khác. Chị lại tình cờ có một người bà con ở ngay đây, không xa khu học-xá của chị là bao. Còn chị chọn psychology, vì nó có liên hệ đến cái công việc tay trái của chị. Tại Việt Nam, người ta qúi mến chị không phải chỉ vì chị là một giáo-sư Anh-ngữ, mà chị còn là một "nhà ngoại-cảm".

"Nhà-ngoại-cảm" ! Chà ! Tôi phải thú thực với chị Trâm là tôi không hề biết cái "nhà" này nó là cái gì, và mong chị giải-thích. Chị Trâm vui vẻ cắt nghĩa cho tôi, một cách rất khái-quát: Vũ-trụ như ta thấy, là tổng hợp bởi những eidos, tạm gọi là những thực-thể. Thực- thể có hai loại: thực-thể-tinh-tế hay còn gọi là linh-hồn, không nhìn thấy được và có trước thực-thể-vật-lý, còn được gọi là thể-xác, có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Con người là kết hợp bởi hai thực-thể nói trên. Khi chết đi, linh hồn rời bỏ thể xác, nhưng vẫn tiếp tục sống trong một thế giới không nhìn thấy, tồn tại song song với thế giới chúng ta. Tuy sang thế giới khác, linh-hồn vẫn còn ít nhiều liên hệ với con người trên thế gian, và chỉ có một số rất ... rất ít người có khả năng tiếp xúc được với những linh-hồn. Những người này, hoặc là vì có "duyên-nợ", hoặc là được trao một "sứ-mệnh" nào đó, có thể trò chuyện, giao-tiếp được với những linh hồn, thường là trong giấc ngủ ... Người ta gọi những người như vậy là "nhà ngoại-cảm" . Ở Việt Nam sau năm 1975, nhu cầu tìm kiếm hài cốt của các thân nhân có con em bị hy sinh trong chiến tranh lên rất cao, nhất là tại miền Bắc. Công việc truy tìm này thường liên quan đến những vụ lên đồng lên bóng, gọi hồn, cầu cơ ... và từ đó, phát sinh ra những nhà ngoại-cảm giả mạo; lợi dụng lòng khao khát và sự mê tín của những thân nhân nhẹ dạ, họ đã dùng đủ mọi mánh khóe để làm giầu một cách rất vô lương tâm !

Chị Trâm tự-hào chị là một nhà ngoại-cảm, một nhà "ngoại-cảm chân-chính", vì tất cả những công việc chị làm, đều thực sự có sự giao-tiếp và giúp đỡ của những linh-hồn, hiệu-qủa chính-xác và đều là bất-vị-lợi . Chị chỉ làm để giúp người, không hề nhận của ai một đồng một cắc nào. Chị đã tìm được cho vợ chồng một ông xã-đội-trưởng ở Đức-Hòa hài-cốt người con du-kích của họ, đã hy-sinh hồi Tết Mậu-Thân. Chị đã tìm được một mồ chôn tập thể 17 liệt-sĩ tại Nam Lào. Và gần đây nhất, trước khi sang Mỹ du học, chị đã tìm được cho hai vợ chồng người chủ căn nhà trọ của chị, hài-cốt người con trai đã hy-sinh tại chiến trường Quảng-Trị năm 1972.

Cơ duyên nào đã khiến chị trở thành một nhà ngoại-cảm là một chuyện khá dài dòng - chị nói - Riêng về chuyện tìm kiếm hài-cốt người bộ-đội đã hy-sinh trong trận Quảng-Trị, biết tôi là một cựu quân nhân của quân đội VNCH, chị muốn kể lại cho tôi nghe, vì chị nghĩ nó có thể có ý-nghĩa hơn, là kể lại cho những người xung quanh chị, ở trong nước. Chị hẹn tôi Thứ Bẩy tuần sau, chị được nghỉ cả ngày, có nhiều thì giờ hơn.

Tôi đến thành phố Columbus lạ hoắc này để thăm một bà chị họ bị đau nặng. Bà đã hồi phục, mạnh khỏe trở lại và tôi có thể ra về, nhưng tôi đã quyết-định ở lại thêm một tuần nữa, chỉ để nghe câu chuyện của chị Trâm, vì không hiểu sao, nó đã khích thích sự tò mò của tôi rất nhiều!

Đó là một buổi sáng Thứ Bẩy thật đẹp! Tôi đến chỗ hẹn đúng giờ, chị Trâm cũng đến rất đúng giờ. Sau những trao đổi xã giao thường tình, chúng tôi ngồi nhâm nhi hai ly cà-phê, và câu chuyện của chị bắt đầu ...
o o o

Sau một vài thành công về việc tìm kiếm và thâu hồi hài-cốt liệt-sĩ, các báo chí trong nước đua nhau tường thuật, nhiều đài truyền hình xin được phỏng vấn ... Tôi bỗng dưng nổi tiếng! Có rất nhiều người tìm đến nhà cậy cục, nhờ vả ... Tuy vậy, tôi không dám nhận lời giúp bất cứ một ai, nếu như tôi không nhận được những tín hiệu, hoặc là sự giúp đỡ của linh hồn những người quá cố. Trong số những người nhờ vả, gần nhất có Dì An. An là tên vợ chồng người chủ căn nhà tôi đã mướn tại quận 12, để tiện việc dậy học. Hai vợ chồng Dì An - tôi thân mật gọi là Dì - đều đã lớn tuổi, người miền Bắc. Ông chồng làm công-an, thuyên chuyển vào Sàigòn sau năm 75 và trở nên rất giầu có, làm chủ một dẫy nhà trọ. Dì An tâm sự với tôi, là đứa con đầu của vợ chồng dì phải gia nhập bộ-đội năm 16 tuổi, tham gia chiến trường Quảng-Trị năm 1972. Tháng 9 năm 72, vợ chồng dì nhận được giấy báo là đứa con đã hy-sinh, nhưng không nhận được xác ! Cho đến ngày gia-đình dì vào Nam, dì vẫn không nhận được thêm một tin tức nào! Dì còn cho tôi xem rất nhiều hình ảnh, và các vật dụng hàng ngày của đứa con bạc mệnh ... Mặc dù trong lòng tha thiết muốn giúp, nhưng tôi không dám hứa hẹn gì nhiều, mà chỉ mượn dì vài hình ảnh và vật dụng của người qúa cố, hy vọng với sự cầu nguyện chân-thành của tôi, sẽ có một sự đáp-ứng nào đó ...

Và mãi cho đến khoảng hai tháng trước khi đi du-học, tôi bỗng nhận được sự đáp-ứng huyền-diệu mà tôi hằng mong đợi!

Dì An và tôi đến thị-xã Quảng-Trị thì đã tối hẳn. Trời lại mưa dai dẳng suốt mấy ngày liền...Chúng tôi phải tìm nhà trọ nghỉ ngơi, để ngày hôm sau sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm sớm. Sáng hôm sau, từ nhà trọ gần khu nhà thờ làng Trí-Bưu, Dì An đã phải mượn cuốc xẻng của nhà thờ, mua một vài vật dụng cần thiết, và thuê hai anh xe ôm nguyên ngày để chuyên chở và phụ giúp chúng tôi trong những việc cần đến bắp thịt ! Chúng tôi phải đi trên những con đường làng quê nhỏ hẹp, rồi băng qua một cánh đồng lớn, theo hướng tây bắc để tìm đến một làng tên là Triệu-Thành, nằm ngay sát bờ Nam sông Thạch-Hãn. Hai anh xe ôm cho biết làng này xưa kia nghèo lắm, cả làng lèo tèo chỉ có độ vài mươi căn nhà lá. Sau trận chiến kinh hoàng năm 1972, người ta đồn là các làng quanh khu Thành Cổ này đều có rất nhiều ma! Ngày nay, nhiều nhà gạch, mái ngói đỏ đã được dựng lên, làm đẹp cho làng, nhưng chủ nhân những ngôi nhà gạch này, hầu hết đã phải lên phường, xã để khai báo là trong khi đào móng xây nền nhà, họ đã gặp rất nhiều bộ xương người ...

Theo lối đường mòn nhỏ và rất trơn trượt, chúng tôi phải đi một quãng khá xa đến cuối làng về hướng cực bắc. Khu này không có người ở, và con đường mòn bị chắn bởi một con lạch nhỏ, có lẽ chảy vào từ sông Thạch-Hãn. Nhìn quanh quất, tôi đã tìm thấy bụi chuối dại và cây trứng cá. Tất cả cảnh vật đều đúng y như những gì tôi đã thấy trong giấc mơ! Thật là huyền diệu ...

Chúng tôi căng một tấm bạt che mưa gió, lập một hương án nhỏ để thắp mấy nén nhang cầu nguyện ... Sau đó chúng tôi bốn người, hì hục đào, xới, xúc đất ... Được cái đất ở đây cũng mềm, dễ đào, như là đã có người dọn dẹp và xới lên từ trước, có lẽ bởi trời mưa mấy ngày nay. Khi đã đào được khá sâu, hai anh xe ôm bỗng reo lên mừng rỡ ... Những ống xương người bắt đầu hiện ra, xương chân, tay, xương chậu, rồi thì hộp sọ ... Dì An đã bắt đầu mếu máo, rồi khóc lên thành tiếng, trông thật tội ! Chúng tôi làm việc như những nhà khảo cổ, nưng niu từng lóng xương, vuốt ve, chải chuốt cho sạch sẽ trước khi đặt nhẹ vào một chậu lớn bằng nhựa.

Trong lúc mọi người đang phấn khởi thì bỗng nhiên, tôi có một cảm giác thật lạ, có lẽ giác-quan-thứ-sáu đã cho tôi biết, có một cái gì không ổn! Tôi bắt đầu nhìn thấy dấu vết của một đôi bottes-de-saut bên cạnh những lóng xương chân. Chỉ mềm nhũn như bùn, nhưng cái đế giày bằng loại cao-xu thật tốt, thân giày bằng da và vải nylon còn nhận ra được ... có một cái ví cũng bằng da, nhưng không một hình ảnh, giấy tờ nào còn tồn tại, tất cả đều nát ra như bùn, đất ... Ngang bộ xương chậu, là dấu tích của một ceinturon, một hộp quẹt zippo đã nham nhở rỉ sét, có cả một vài qủa lựu đạn đã hoen rỉ mà chúng tôi phải tránh xa . Ngang phía xương cổ, một miếng kim loại nhỏ hình chữ nhật, bằng hai ngón tay, ố rỉ mầu nâu xậm, đụng vào là gẫy nát ra từng miếng nhỏ rớt lả tả xuống mặt đất. Xa hơn một chút là một cái nón sắt, cũng đã hoen rỉ, một nửa vẫn còn ngập trong lòng đất, không ai muốn đào tiếp ... Dì An đã ngừng mếu máo, dì cũng đã nhìn thấy những gì tôi thấy ... Ngoài một bộ xương ra, không một dấu vết gì chứng tỏ đây là đứa con thân yêu của bà ! Chúng tôi hoàn toàn thất-vọng ... Không lẽ tôi đã được chỉ dẫn ... sai ?!

Trước những chứng cớ khá rõ rệt, Dì An và tôi đành phải chấp nhận là mình đã tìm lầm phải hài-cốt của một người lính phía bên kia ! Nhưng phải làm gì với bộ hài-cốt này đây ? Hai anh xe ôm cho chúng tôi biết là gần đây có một ngôi chùa, phía sau chùa là một khu đất hoang, đã có đâu chừng gần chục ngôi mộ vô-danh đã được hòa-thượng trụ trì cho phép chôn ở đó. Thật là một giải pháp tuyệt hảo, và đã làm thì làm cho chót. Chúng tôi cho tất cả bộ hài-cốt vào một cái tiểu-sành mà Dì An đã mang theo và tìm đến ngôi chùa. Cúng dường cho nhà chùa một số tiền, sau đó tôi và Dì An ra sức đắp lên một nấm mộ nhỏ ... Xong suôi, chúng tôi thắp ba nén nhang, khấn vái ... Và sau cùng là một tấm bia nhỏ, cắt ra từ một miếng tole do hai anh xe ôm làm giúp, trên đề: "Người lính Vô Danh - VNCH" ...

Đêm hôm ấy tại nhà trọ, qúa mệt mỏi sau một ngày quanh co tìm kiếm, đào xới, đắp mộ ... vừa nằm xuống là tôi mơ màng vào giấc ngủ ngay. Trong lúc còn nửa mê nửa tỉnh, tôi chợt thấy thấp thoáng có một bóng người đang bước tới gần chỗ tôi nằm. Trong phòng chỉ có Dì An và tôi, tôi cất tiếng hỏi:

-- Dì An chưa ngủ được sao ?

Bóng đen đứng dừng lại, một giọng đàn ông còn trẻ, hơi bối rối :

-- Dạ ... không, là ... tôi đây ... xin chị đừng sợ ! Tôi không thể làm hại được ai, chị cứ an tâm. Tôi ... tôi chỉ muốn đến để cám ơn hai chị đã cho tôi một mái nhà. Một mái nhà tuy sơ xài, tạm bợ, nhưng vẫn còn hơn là ... cứ mãi mãi nằm sâu dưới lòng đất lạnh !

Tôi ngồi bật dậy, tối qúa, không thể nhìn rõ mặt người lạ ! Hơi sợ sợ, nhưng tôi vẫn giữ được bình tĩnh:

-- Vậy anh là ... là ...

-- Vâng, tôi chính là người ... lính vô-danh mà hôm nay đã được hai chị đắp cho một ngôi mộ !

Đến đây thì tôi hiểu ra rồi. Chỉ chiếc ghế gần đó, tôi mời anh:

-- Anh ngồi đi, và ... anh có thể cho tôi biết một chút về anh được không ?

Anh ta không ngồi lên chiếc ghế, mà ngồi bệt xuống nền nhà, hai tay ôm đầu gối, dựa lưng vào tường:

-- Dạ ! ... Mà ... phải bắt đầu từ đâu nhỉ ? ... À, tôi nhớ ra rồi ... chắc chị đã biết tôi là một người lính miền Nam, lính gì thì tôi cũng không nhớ nữa, Nhẩy Dù hoặc Thủy-Quân-Lục- Chiến gì đó ... Chỉ nhớ là khi vẫn còn đang trong tuổi đi học, thì một hôm tôi bỗng nổi khùng, tự động đăng vào lính, một thứ lính mặc quần áo mầu hoa rừng ... Thế rồi được huấn luyện và ra mặt trận ! Mấy trận đầu, cũng khủng khiếp lắm, nhưng không sao, còn được thăng dần đến chức Hạ-sĩ nữa, nhưng từ khi được chuyển lên đến vùng Quảng-Trị này thì căng thẳng thấy rõ, ngày đêm chỉ toàn bom và đạn, máu với lửa ...

-- Thế còn gia-đình anh thì sao, anh tên chi ?

-- Tên hả ? Nói ra chị đừng cười nhé, tôi quên cả ... tên của chính mình rồi ! Sáng nay, các chị đã đề trên nấm mộ của tôi là "Vô Danh" thật quá đúng ! Tôi còn độc thân, và vẫn nhớ là tôi còn một bà mẹ và hai đứa em. Nhà gia đình chúng tôi ở đâu đó trong Sàigòn, không nhớ rõ chính xác là ở đâu, hoàn toàn không nhớ nổi ... Đến mặt mũi của mẹ và hai em của tôi, tôi cũng còn không nhớ là như thế nào ... Chỉ hình dung là một khuôn mặt thật đẹp, thật dịu hiền ... Nếu như có một phép lạ nào đó, cho mẹ và em tôi xuất hiện ngay tại đây, thì lập tức tôi sẽ nhận ra ngay ! ... Nhưng bảo tả lại hình dáng của bà thì tôi đành chịu, không thể ...

-- Anh bị mất trí nhớ từ hồi nào ?

-- Từ hồi tôi bị ... chết chị ạ ! Ngay khi vừa chết, tôi hoàn toàn không nhớ, không biết gì hết, trí óc như một tờ giấy trắng ... Thời gian qua đi, ký ức dần dần phục hồi lại, từng mảnh, từng mảnh ... không theo một thứ tự nào ! Tôi đã phải bận rộn suốt ngày, để sắp xếp nó lại theo đúng với qúa trình của đời mình ... nhưng việc này coi vậy mà thật không dễ dàng chút nào ! ... Mà sao lạ quá, có những cái thật quan-trọng, thật riêng tư thì vẫn ... quên, mà những gì không cần thiết, thật ... vớ vẩn thì lại hiện lên, rõ mồn một ! Tôi có thể đọc lại những bài " học-thuộc-lòng" từ hồi còn nhỏ, không sai một chữ! ...

Ngừng một phút, anh buồn rầu nói tiếp:

-- Chị coi, hồn phách nào mà chịu nổi, bom đạn từ bốn phương tám hướng cứ dồn dập đổ xuống như mưa, ngày này qua ngày khác. Hết pháo từ Cao-Hy, từ Tân-Vĩnh, Ái-Tử ... của Bắc-Việt dập xuống, rồi pháo của TQLC, của SĐDù, SĐ1BB, của Hạm Đội 7 Hoa-Kỳ ngoài khơi câu vào ... B-52 thì trải thảm bất cứ lúc nào, dữ dội nhất là ở hành-lang Nhan Biều - Ái tử, mặt đất cứ rung lên như động đất ! Ngày này qua ngày khác chị ạ, cả ngày lẫn đêm, toàn những loại bom đạn giết người tối tân nhất, hiệu lực nhất ... Lại còn phi pháo, bom xăng đặc, bom lửa lân-tinh từ những phản-lực-cơ nữa chứ ! Thật tình là ngay cả những linh hồn như chúng tôi, cũng không thể nào kham nổi ...

-- Các anh chịu đựng như vậy, trong bao lâu ?

-- Cho đến khi tàn cuộc chiến ... riêng tôi thì khoảng hơn hai tháng ! Hơn hai tháng với trên một triệu viên hải pháo, phi pháo, sơn pháo ... hơn 328 ngàn tấn bom đạn đủ loại ... một khối lượng bằng 7 lần qủa bom nguyên-tử thả xuống Hiroshima đã dội xuống trong và ngoài khu Cổ-Thành này, nó chỉ rộng khoảng hơn 3 cây số vuông thôi !... Vâng, trận tái chiếm Quảng-Trị này là trận chiến ác-liệt nhất trong lịch-sử chiến tranh của cả vùng Đông- Nam-Á đấy chị ạ !

-- Làm sao các anh biết được những điều này ?

-- Chị tưởng chúng tôi không biết những việc gì đang xẩy ra trên thế gian ư ? Chúng tôi biết hết chị ạ ! Nhưng chỉ biết để đấy thôi, không được phép làm bất cứ điều gì xâm-phạm đến dương thế ... À, mà đáng lẽ tôi phải nói ngay với hai chị, là khu đất mà các chị khai quật sáng nay là đúng chỗ rồi đấy ! Anh ấy là lính thông-tin, thuộc Trung-Đoàn Triệu-Hải, E27 SĐ 320B. Chẳng hiểu đi nối dây điện thoại thế nào, lại lò mò lạc vào đúng tổ kích của tụi tui, bị bắt ! Lúc đó bom đạn rơi xuống như mưa, tôi và anh ấy cùng núp chung một hầm. Xui là đúng lúc đó, một qủa pháo không biết của bên nào, đã đổ xập xuống ngay cửa hầm, và chỉ nội sức ép công phá của nó thôi, cũng đủ kết liễu cuộc đời của cả hai đứa! ... Chưa hết, rồi bom, pháo cứ tiếp tục cầy lên, cầy lên mãi ... cuối cùng là hai đứa nằm dưới mặt đất đến vài ba thước! ...

Ngừng lại một vài giây, anh tiếp:

-- Rồi cuộc chiến cũng qua đi ... trên mặt đất chỗ chúng tôi nằm, cỏ hoang lan cùng khắp, các bụi cây dại mọc lên chằng chịt, thêm vào là mấy ụ mối ... Thế gian lại chìm vào sự thinh lặng dễ sợ ! Chỉ riêng trong đầu óc chúng tôi, những tiếng rít của đầu đạn xé không gian, những tiếng bom nổ long trời lở đất ... vẫn không bao giờ ngừng nghỉ ! ...

-- ... Anh làm tôi cảm động qúa ! ... À, anh nói cả hai anh cùng núp chung một chỗ, mà sao sáng nay chúng tôi lại chỉ tìm thấy có một mình anh ?

-- Dạ đúng vậy ! Trước các chị gần một tuần, có một nhóm chừng 8, 9 người đã đến khu chúng tôi ở . Đó là một đội quy-tập của nhà nước, họ khai quang, đào xới một khoảng chừng 50 mét vuông. Là những người khá chuyên-nghiệp, với đầy đủ dụng-cụ, máy dò ... Chỉ cần quan sát thật kỹ thôi, là họ biết phải thâu gom những gì, và để lại những gì ... Cuối cùng, 4 bộ hài cốt liệt-sĩ trong đó có anh ấy, đã được tìm thấy và mang đi ... Chỉ còn mình tôi thì nằm ở lại ...

-- Có phải họ biết anh là người lính miền Nam, nên để lại ?

-- Dạ, hai bộ xương nằm gần nhau, xương cốt người Việt thì cũng sàn sàn một cỡ, giống nhau cả, nhưng những vật dụng cá nhân nằm kề hai bộ cốt thì lại hoàn toàn khác hẳn. Dưới những lóng xương bàn chân anh ấy là tàn tích của một đôi dép râu, ngang chỗ xương chậu là dấu vết của một võng bộ-đội bằng nylon ... Ngoài ra, có những vật dụng mà thời-gian chưa tiêu-hủy được, như là một nanh heo rừng mà anh ấy đã đeo làm bùa-hộ-mệnh, một lọ thủy-tinh nhỏ đựng thuốc trị thương (?) mà các bộ-đội thường có ... Và thuyết-phục nhất là một bi-đông nước, tuy cũng đã hoen rỉ nhiều, nhưng trên đó vẫn nhận ra được dấu khắc tên và nơi sinh quán của anh ấy tại Hà-Tây, miền Bắc ... Còn những hình ảnh hoặc giấy tờ cá nhân, nếu có thì cũng đều biến thành tro bụi hết ...

-- Sao họ lại đang tâm để anh ở lại một mình như thế nhỉ !? Anh có buồn không ?

-- Cũng phải thông cảm cho họ thôi, họ cũng đã qúa bận rộn với mấy trăm ngàn bộ hài cốt trên toàn quốc. Hơn nữa, công việc chính của họ không phải là lo cho chúng tôi, mà là lo cho các liệt-sĩ của họ ! Còn có vì thế mà buồn không ư ? Không chị ạ, có cả hàng ngàn những linh hồn khác, vẫn còn đang chập chờn, phiêu bạt khắp quanh đây ...

-- Vậy chứ dưới đó, có sự ... phân biệt, kỳ thị gì giữa các anh với nhau không ?

Nhìn về phía xa xôi, hình như anh ta hơi mỉm cười :

-- Chị làm tôi nhớ lại hai câu thơ cổ của thi hào Hoàng-đình-Kiên đời nhà Tống: Hiền ngu thiên tải tri thùy thị, Mãn nhãn bồng cao cộng nhất khâu! ... Hoàn toàn không chị ạ ! Đã là người chết, cùng chung một gò hoang đầy cỏ bồng dại, còn phân biệt ai hiền ai ngu, ai sai ai đúng làm gì nữa ? Vâng, chỉ có những người trên dương thế, còn phải lệ thuộc nhiều vào vật chất nên mới tranh giành, phân biệt nhau thôi. Dưới này, chúng tôi đều coi nhau như anh em, bình đẳng, không hận thù ... Và tất cả chúng tôi đều có chung một nuối tiếc, đó là: chỉ vì áp lực của những siêu cường trên thế giới, mà Việt Nam mình đã trở thành một con cờ thí, đất nước phải trải qua một cuộc chinh-chiến tương-tàn, nồi da xáo thịt, để biết bao nhiêu triệu người phải hy-sinh một cách rất oan uổng! ...

-- Vậy là ở dưới đó, anh có rất nhiều bạn ?

-- Rất nhiều chị ạ ! Hồi trước thì ... thật là nhiều ! Ngoài đám thường dân vô tội, chết vì bom rơi đạn lạc, còn thì đều là lính tráng thuộc cả hai phía: Nhẩy Dù có, Thủy-Quân Lục-Chiến có, rồi Biệt-động-Quân, Sư-Đoàn1BB, SĐ3BB, Liên-Đoàn 81 Biệt-kích Dù, Kỵ-Binh Thiết-Giáp ... Bộ đội Bắc-Việt thì đông hơn nhiều, chủ lực có Sư-Đoàn 304, SĐ 308, 312, 320, 324, 325, K3-Tam-Đảo, một vài Trung-đoàn địa-phương và tiểu-đoàn đặc-công ... Có đến cả chục ngàn đứa chúng tôi, vẫn còn ngơ ngẩn vì bom đạn, cứ lang thang vật vờ trên những ngọn cỏ bụi cây, rừng hoang đồi trọc vài cây số vuông xung quanh khu Thành Cổ, hoặc hai bên bờ sông Thạch-Hãn này ... Đứa nào cũng mong ước một ngày nào đó, được về lại với gia-đình, với cố hương ! ... Sau này thì cứ bớt dần, bớt dần ...

-- Sao lại như vậy, họ đi về đâu ?

-- Nhà nước bây giờ là "bên thắng cuộc", đầy quyền lực, tiền bạc và phương tiện. Họ muốn tri-ân những người đã chết, để cho họ có được cuộc sống trên nhung lụa ngày hôm nay, nên tổ chức rất nhiều đội quy-tập, chuyên đi khai quật những nơi đã từng là chiến địa đẫm máu ngày xưa, để thâu gom hài-cốt liệt-sĩ ... Và cũng nhờ những nhà ngoại-cảm chân chính như chị, đã có biết bao nhiêu nấm mồ hoang, mồ chôn tập-thể đã được khám phá. Một số hài cốt có lẫn hình ảnh, giấy tờ hoặc những vật dụng cá nhân mà thân nhân nhận diện được, thì về đoàn tụ với gia-đình; nếu không, phải về nằm tạm trong các lô đã được xắp xếp trước theo quê quán, đơn-vị ... tại những nghĩa trang liệt-sĩ địa-phương, chờ ! ...

-- Chắc là nhiều lắm ?

-- Nghe nói có đến hơn 300 ngàn bộ hài cốt thuộc tất cả các mặt trận trên toàn quốc, đang trong tình trạng chờ đợi như vậy, vì chưa tìm ra lý lịch. Rồi tự nhiên phát sinh ra một lô những nhà ngoại-cảm "dổm", mọi việc từ đó cứ loạn cả lên, giờ thì chẳng còn phân biệt được ai là thực, ai là giả nữa !

-- Giờ này họ có còn tìm kiếm nữa không anh ?

-- Vẫn tiếp tục chị ạ ! Họ ước tính là phải còn hơn 200 ngàn bộ nữa ! Đây là chỉ riêng liệt-sĩ của họ thôi nhé, còn lính miền Nam hoặc là dân đen thì chị biết đấy: tự lo ! ...

Ngừng một giây, anh tiếp:

-- Chị tính đi, nguyên cái tỉnh Quảng-Trị này cũng có đến 72 nghĩa-trang liệt-sĩ ! Trên toàn quốc, tỉnh nào cũng có lớn nhỏ vài ba cái. Đáng kể nhất, là cái nghĩa-trang vĩ-đại, "hoành-tráng" nhất nước, là nghĩa-trang liệt-sĩ Trường-Sơn. Nghe đâu nó rộng đến hơn 140 ngàn mét vuông, nằm trên ba ngọn đồi lớn cạnh thượng nguồn sông Bến-Hải. Cho đến bây giờ, đã là nơi an nghỉ của những 10,333 liệt-sĩ của họ ... Biết bao nhiêu là linh hồn đã tìm được về nhà, hoặc một nơi ổn định, để rồi sẽ được giải-thoát ? ... Chỉ riêng chúng tôi, những người lính miền Nam ...

Câu cuối cùng anh nói nhỏ qúa, như lẫn với tiếng khóc, cố gắng lắm tôi mới nghe được ! Biết anh đang qúa xúc động, tôi giữ im lặng ... Phải mấy phút sau, anh mới lấy lại được một giọng nói bình thường:

-- Mà nói thực ra, nhiều anh em như chúng tôi, cũng chẳng biết là nếu về được, thì về đâu ? Gia-đình ly tán hết sau chiến tranh, người thì buộc phải rời bỏ nơi tổ ấm từ bao đời, để đi vào chốn rừng thiêng nước độc "kinh-tế-mới", người thì vào tù cải-tạo, nhà cửa bị chiếm đoạt, vợ con nheo nhóc sống nơi đầu đường xó chợ ... Lại còn một số không ít, dắt díu nhau đi vượt biên, vượt biển ... Ruột thịt chia lìa, ngàn trùng xa cách ... Về đâu bây giờ ? Ngay cả cái nghĩa-trang cũ của miền Nam ở Biên-Hòa đó, bây giờ chỉ còn là một bãi đất đầy cỏ hoang với nhấp nhô những nấm mồ vô chủ, chẳng còn ai được phép ngó ngàng tới ! ... Nói chung là chỉ vì những người trên dương thế vẫn còn đắm chìm trong thù hận, phân biệt, nên chúng tôi vẫn còn bị lạc lõng, bơ vơ ...

Lúc này, tôi chẳng còn biết nói gì hơn là một câu an ủi thật ... vô duyên:

-- Thời nào cũng thế anh nhỉ, đầy những bất công !

Anh ta mỉm cười, rồi nhìn xa vời về phía trước:

-- Cũng đúng thôi chị ạ, vì chẳng nơi nào tự nhiên mà có sự công bình hết. Để trái đất này và loài người tồn tại được, Thượng-đế chỉ cho chúng ta sự quân-bình thôi, còn công-bình thì không ! Con người phải tranh đấu dành sự công-bình cho chính mình, tùy theo trình độ văn minh của họ ! Những câu như "ở hiền gặp lành" hoặc "ác giả ác báo" chỉ có giá trị cho việc răn dậy con trẻ mà thôi ...

-- À này, vậy chứ ở dưới đó, anh có thấy thiên-đàng hay địa-ngục gì không ?

-- Thiên-đàng, địa-ngục hả, tôi không thấy gì chị ạ! Những danh từ ấy, nó thật là trừu-tượng ! Theo tôi nghĩ: thiên-đàng, địa-ngục, thánh-thần hay ác-qủi gì, thì cũng đều ở cả trên mặt đất mà thôi. Nơi nào người ta sống thật sự tự do, hạnh-phúc ... thì nơi đó là thiên-đường, mà trái lại thì là địa-ngục! Cũng ngay trên mặt đất, thiếu gì người cả một đời hiến thân làm việc từ-thiện, cứu nhân độ thế, họ đều là tiên là thánh cả. Lại có nhiều người khác, buôn dân bán nước, sống trên xương máu của lương dân ... không gọi họ là ác-qủy thì phải gọi là cái gì ?

-- Vâng, anh nghĩ như vậy cũng không có gì là sai lắm đâu ! ... Nhưng thôi, trở về thực tại ... Hôm nay, đắp cho anh được một nấm mộ nhỏ, hai đứa chúng tôi cứ thắc mắc, không hiểu là như vậy có giúp được gì cho anh hay không ?

-- Tốt lắm chị ạ ! Chị quên là tôi đang phải lần mò đến đây để cám ơn hai chị rồi sao ?... Nấm mồ tuy nhỏ, nhưng nó cũng đủ để làm một dấu hiệu cho những người trên dương thế biết rằng, ở dưới đó có tàn tích của một con người, dù chỉ là một người ... "vô-danh" !

-- Vâng ... nhưng ý tôi muốn nói là: nó có giúp gì cho anh trong cái gọi là ... là "siêu-thoát" hay không ?

-- Đáng tiếc là không chị ạ ! Sớm muộn gì thì tất cả mọi linh hồn cũng đều được giải-thoát thôi. Sớm, hoặc muộn. Cũng như trên dương gian, tuổi thọ của con người không ai giống ai, có người thọ, đại thọ... Ngược lại, có người lại bị chết yểu, chết non ... Đều là số mệnh cả, vẫn còn nằm trong sự huyền-bí của Thượng-Đế mà chúng ta không thể biết được. Ngay cả ở dưới này, lâu lâu chúng tôi lại thấy có một số anh em ... biến mất ! ... Chúng tôi ngờ rằng họ đã được siêu-thoát, giải-thoát, hoặc là "đầu thai" gì đó, không ai biết ! ... Chắc là phải ... chết thêm một lần nữa mới biết được chị ạ ?! ...

Suy nghĩ một lúc, anh tiếp:

-- Vấn đề là phải kiên nhẫn chờ, chờ đến ngày mình được giải-thoát ! ... Mà trong khi chờ đợi như vậy, còn gì đẹp hơn là được nằm trong một nghĩa-trang gia-đình, nghĩa-trang làng mình, hoặc thành-phố mình ... Được nhìn thấy những người thân yêu đi lại ở xung quanh, được nhìn thấy những hàng cau, lũy tre làng, những cánh diều của tuổi thơ ... Lại còn mùi nhang, mùi khói nữa chứ, những câu kinh, tiếng mõ, tiếng chuông chùa ... Tất cả đã tạo thành một chất xúc-tác rất mơ-hồ, rất huyền-ảo, làm cho âm và dương gần gũi nhau hơn ... Người công-giáo thì họ ao ước được nghe lại những tiếng kinh cầu, những bản thánh ca, hồi chuông giáo-đường ... đều là những gì rất cần thiết để làm ấm lại, những linh hồn giá lạnh ... Vâng! chúng tôi sợ lắm, sợ phải lang thang vất vưởng ở những nơi đồng không mông quạnh, núi non bạt ngàn như chỗ chúng tôi đã bị gục ngã ...

Đến đây, anh từ từ đứng dậy, cố gắng đứng thẳng người, làm như đang sửa soạn để chào một vị thượng cấp:

-- Biết là hai chị vừa trải qua một ngày thật mệt nhọc, nhưng tôi không thể không đến đây, để nói một lời cảm tạ chân-thành tự đáy hồn của tôi. Không tìm được người thân, hai chị có thể lặng lẽ bước đi, như bao người khác ... Nhưng hai chị đã không làm thế, ngay cả với một người ... vô-danh như tôi đây ! ... Và bây giờ ... chị có thể tiếp tục giấc ngủ của chị, tôi xin phép ...
Nói xong, anh ta lặng lẽ quay lưng bước ra cửa, đầu như hơi cúi xuống ...

Một làn gió lạnh tràn vào, tôi giật mình bừng tỉnh dậy ! Biết là mình vừa mới qua một giấc mơ, một giấc mơ mà tôi còn nhớ rất rõ, từng chi tiết ... Nhìn vội ra phía cửa, hình như tôi còn thấy thấp thoáng cái bóng của anh, đang nhạt nhòa lẫn vào một màn sương càng lúc càng dầy đặc ...
o o o

Đầu năm 2011, tôi nhận được một lá thư của chị Trâm từ Việt Nam . Lá thư khá dài, ngoài một vài thông tin, còn có cả những lời như "tâm-sự" của chị nữa. Chị cho biết là gia-đình Dì An đã chính thức nhận được đầy đủ bộ hài cốt của người con, có DNA xác nhận và đã được mai táng tại nghĩa-trang của dòng họ tại Hà-Tây, Bắc Việt. Còn về phần chị, chị đã có được mảnh bằng mà chị mơ ước, tuy nó chỉ là một associate degree, nhưng ở Việt Nam, nó là qúi lắm ! Chị dự định sẽ chỉ dùng sự hiểu biết của mình cho việc giáo-dục thôi, vì chị đã tạm ngưng công việc của một "nhà ngoại-cảm" rồi. Nhiều lúc chị bâng khuâng tự hỏi: không biết là vì có "duyên-nợ", hay là vì được trao một "sứ-mệnh", mà bỗng dưng chị lại có khả năng của một nhà ngoại-cảm, sau một trận ốm liệt giường? ... Cho dù vì bất cứ một lý do gì, chị cũng nghĩ là mình phải dùng năng-khiếu thiên-phú này để giúp người. Mà người đây có nghĩa là tất cả mọi người, chứ không phải chỉ riêng cho một nhóm cùng chung một phe, một đảng ! Những người "ngã ngựa" thì đã nhận lãnh đầy đủ các kiểu đòn-thù rồi, có cần phải tiếp tục với những bộ hài-cốt nữa hay không ? Thực tế đã khiến chị phải tạm dừng lại, để chờ ! Chờ và hy-vọng ... Đã từng du học ở những nước tiền tiến, chị thất vọng khi thấy những người lãnh-đạo trong nước, hầu hết đều đã cạn kiệt lòng nhân-bản, mà tiến-trình văn-minh của họ thì lại đi qúa chậm ! Tệ hơn nữa, nhiều khi họ còn đi cả ... giật lùi ! Ngược dòng lịch-sử, chúng ta đã từng chê trách hành động qúa đáng, không quân-tử của vua Gia-Long, là trả thù cả với hài-cốt của vị anh-hùng áo vải Quang-Trung. Thế mà ở thế-kỷ thứ 21 này, chuyện tương tự xấu xa đó cũng đã đang được tái diễn, trên toàn thể nước Việt ! ...

Tôi nhớ câu cuối cùng, chị viết là : Để tránh khỏi phải đau lòng, nhiều khi thà không làm gì hết, còn hơn là chỉ được làm có phân nửa công việc !

Virginia, ngày lễ Thanh-Minh 2015

Bùi Thượng Phong









































 

 


VĂN CHƯƠNG

Bài vở cũ 2015
Bài vở cũ 2014
Bài vở cũ 2013 
Bài vở cũ 2012

Truyện Ngắn

Hồi ức - Một thời chinh chiến 
No Easy Day - Ngày Vất Vả

Những bài viết của Bất Khuất


Giấc mộng kinh hoàng  
Hồi Kư của vợ người tù “cải tạo”  
Viễn thám
Trong bóng hoàng hôn
Tâm sự cùng Nữ Sĩ Dư Thị Diễm Buồn  
Phản bội Đồng Minh hay thay đổi chiến lược chống CS
Cái áo Jacket Không Quân
Ánh sáng cuối đường hầm
Sức mạnh của đồng tiền  
Di chúc tuyệt mệnh  
Rồi tôi sẽ hạnh phúc  
Anh không chết đâu anh  
V́ sao tôi là Nữ Quân Nhân?  
Nồi chè của Ông Tướng  
Người cha trăm tuổi  
Hai ngày gác ở Nghĩa Trang Quân Đội
Dự lễ Phật Đản  
Từ mặt đường dậy sóng ...  
Viết cho một người lính  
Mặt trận Tân Cảnh, Kontum 1972 
Nghĩa Quân 
Chia sẻ với các em của chị
Có những chuyến tàu
Những mảnh hồn phiêu bạt ...
Cho nhau cuộc đời  
Cha và con với biển và cá  
Kẹt cứng gọng kềm

Người tù binh hồi chánh bên bờ sông Ba  
Cái bóng của vị thầy tu  
Cái nón sắt của người lính VNCH  
Trăm ngh́n nhánh khổ  
Sài-G̣n miền đất địa linh nhân kiệt
Triết lư nhân sinh - Luận về mộng mơ qua Văn chương và Triết học  
Tấm thẻ bài  
Tung cánh chim t́m về tổ ấm  
T́nh nghĩa Vợ, Chồng khi kẻ mất, người c̣n đời sống sẽ ra sao?  
Viết cho Nguyễn Viết Dũng  
Việt cộng - Việt cộng
Tháng Ba chôn súng  
Băi biển Non Nước: Một kết thúc tức tưởi, oan nghiệt 
Tiểu Đoàn 9 TQLC - Trận chiến sau cùng  
Một lần chào cuối cùng của đời quân ngũ !  
Mất Đà Nẵng  
Sự quan tâm của vị Tướng  
Saigon xưa ...cái thời xé tiền để .. thối lại !  
Giọt nước mắt của lính
BTL/HQ/V4 DH – Di tản với 3000 đồng bào  
Người lính Việt Nam Cộng Ḥa sau 30 tháng Tư  
Bàn thờ hai mặt  
Ngôi nhà thờ cổ bên ḍng sông Saigon 
Ṿng tṛn nhân quả  
Bạn tôi người lính trẻ
Nhớ kỉ niệm .…
Một lần mất mát  
Chuyện buồn người vợ tù  
Nhẩy Dù tử chiến tại mặt trận Quảng Trị 
Ngô Quang Trưởng - Cổ kim như danh tướng 
Khai bút đầu Xuân Bính Thân 2016 - Sát cộng nô hịch

Về thăm quân trường cũ 
Xuân đă tàn chưa?

Tưởng như … Mùa xuân không c̣n nữa 
Táo quân về trời 
Đi chợ... Tri thiên mệnh  
Điều bố không dặn lại

Một đời lận đận chiến tranh  
Gió mùa xuân  
Viên đại bác cuối cùng nơi phà Cát Lái 
Người vợ là một vĩ nhân

Chưa tu đă thành Phật  
Tướng Ngô Quang Trưởng - Cô kim như danh tướng

Bắc Kỳ 9 nút - Bắc Kỳ 2 nút