Thức trắng đêm, thấy đêm thật dài!

Đêm thật dài, nhưng rồi cũng qua đi. Chỉ có quê hương Việt Nam từ khi tràn ngập cộng sản, đêm vẫn đen, và đêm đen giữa ban ngày. Hướng đông đã hé chút ánh mặt trời. Một ngày mới với ánh sáng và hy vọng. Hy vọng nơi phía Nam sẽ là vùng đất hứa, là bến bờ của hồi sinh và tự do!

Trời đã sáng hẳn, một ngày mới giữa đại dương. Mây trắng mỏng như dải lụa, thanh thản nhẹ nhẹ bay. Bầu trời trong xanh, tươi thắm, thật hiền hoà và Thái Bình Dương hôm nay có vẻ yên bình. Thêm một ngày lênh đênh trên biển cả, quanh chúng tôi cũng chỉ có trời và biển. Đại dương mênh mông, mênh mông và mênh mông!

Ngó đâu đâu cũng chỉ thấy sóng và sóng. Biển xanh xa đến tận chân trời, xa nghìn trùng!

Tôi quay nhìn xuống biển nơi phía sau ghe mình, thấy sóng cuộn vòng cùng bọt nước trắng xoá, do cánh quạt cuộn đạp ra, nghe rào rào thật rõ ràng. Cảnh tượng sinh động ấy báo cho trí óc mình nghĩ là chiếc ghe đang chạy tới. Nhưng mắt tôi nhìn thì chẳng thấy nó chạy tới đâu cả. Đứng trên mui cầm lái; cần lái rung động trong lòng bàn tay, cho mình biết là máy đang chạy, sóng cuộn đùa vào bánh lái và mắt thì cũng có thấy chiếc ghe đang cưỡi trên sóng vậy. Tôi mong đó là sự thật chứ không phải ảo giác. Vì khi nhìn phía trước và chung quanh; chiếc ghe giống như nó không hề chạy tới chút nào cả. Nó đã nằm yên đó, từ đêm hôm qua cho đến bây giờ. Bốn phương vẫn trời, vẫn biển và sóng cuộn. Chiếc ghe giống như chỉ nằm một chỗ; mặc tình cho sóng nối nhau mà đập vào mũi ghe. Sự thật và ảo giác chập chờn, nhập nhằng trong tâm trí…

Giữa đại dương mênh mông, chiếc ghe 3392 sơn dầu hắc đen mốc này trông như mảnh ván vụn cỏn con đang trôi nằm lững lờ trên sóng. Nước trong và xanh thật đậm cho tôi biết ghe mình đang nằm trên vùng nước sâu.

Nhìn ra xa, ngẩn ngơ lo lắng: còn bao xa thì chúng tôi mới được thấy đất liền đây?!

Còn đến bao nhiêu ngày, và… chiếc ghe có đến được bến bờ tự do hay không?!

Vài đợt sóng nhỏ thì có một lần sóng to. Vỏ ghe đóng với cái mũi bầu để chở được nhiều hàng hóa trong sông, nên sóng to ở ngoài biển khơi xô đẩy mũi ghe rất mạnh; phải luôn luôn canh chừng để hướng cho ghe cưỡi xéo lên sóng. Quanh quẹo qua lại theo sóng, rất dễ bị lạc hướng. Nhiên liệu và lương thực dù có dự trù nhưng vẫn có mức giới hạn của nó. Để ghe chạy lạc hướng, lênh đênh trên biển lâu ngày hết nước uống, hết thức ăn cho hơn bảy mươi người rất nguy khốn. Sóng đập mạnh vào mũi và xô đùa chiếc ghe lắc lư. Tôi giữ địa bàn nằm thăng bằng, để kiểm hướng chạy.

- Ê, Tính! Cà phê đây mày!

Tiếng Vũ gọi nhỏ nhưng đủ lay thức cái tâm trí lơ mơ, ngầy ngật, của thể xác thiếu ngủ quá độ. Tôi ngó xuống cửa trên nóc mui, thông qua hầm máy bên dưới; thấy bạn mình đang đứng với ly cà phê trên tay. Từ đêm thoát được chế độ cộng sản chạy ra đến đây, mỗi khi nghe Vũ gọi tên tôi. Cũng vẫn cái tên Tính, nhưng tên tôi được Vũ gọi giữa Biển Đông, nghe sao thật khác lạ. Thật xúc động!

Sau những tháng năm dài trốn tránh lùng xét của nhà cầm quyền, lấy giấy tùy thân với tên của em trai, lén theo Vũ chạy xuống thành phố gần cửa biển, và làm thằng Tính phụ việc trên ghe; sáng hôm nay được nghe gọi tên mình, tôi vẫn còn nghe ngỡ ngàng, tưởng như mình đang ngủ mơ.

Không, tôi không mơ!

Tôi được nghe lại tên mình!

Khi đã được nghe tên mình như lúc này đây, tôi hãy còn sống, sống như một người tự do. Đang là người tự do trên biển cả!

Tôi cúi xuống đón lấy ly cà phê và cám ơn Vũ.

Thấy mắt thằng bạn lèm nhèm, hãy còn ngái ngủ:

- Mới dậy hả mậy?!

Vũ cười hề hề:

- Ừ, mệt quá.... Tao kêu thằng Tài dậy, ngồi coi máy giùm, tao phê được một lát!

Hương vị cà phê thơm đắng, chầm chậm đánh thức trí óc tôi. Nhìn Vũ bơ phờ quá, tôi biết cái mặt của mình chắc cũng thế thôi. Đêm trước ngày đi thì nằm trăn trở hoài, không sao ngủ được. Đến lúc ra khơi, vì anh Ba phải ở lại để tìm chị Ba, chỉ còn một mình, tôi đã phải thức mà ôm giữ cái cần lái trên mui; nên thèm được nhắm mắt ngủ một giấc cho đã thèm lắm.

Cà phê và cái khăn ướt thay phiên nhau giúp cho tôi mở mắt nhìn phương hướng. Ban ngày, thỉnh thoảng Vũ gác qua công việc, leo lên mui giữ cần lái thay cho tôi trong chốc lát, để tôi làm việc vệ sinh cho có vẻ lịch sự một chút, rồi phải trở xuống bên dưới ghe để coi máy, trông chừng dầu, nước,...

Cái rắc rối nhất là nước giải nhiệt cho máy!

Đối với động cơ chế tạo cho tàu thuyền thì việc làm nguội máy rất là giản dị, máy chỉ cần hút nước mặn từ biển lên; nó chịu đựng được chất muối trong nước biển. Thế nhưng, ghe chúng tôi dùng động cơ của chiếc máy cày Fiat, vốn là động cơ xe chạy trên đất liền; nó dùng nước ngọt để làm nguội máy và bình nước giải nhiệt nhờ gió lùa vào khi xe chạy tới mà giảm độ nóng của nước. Khi động cơ Fiat đã đem xuống ghe và gắn trong hầm máy; nó bị mất nguồn gió thổi giúp nguội thùng nước giải nhiệt. Để thay thế cho gió, dòng nước nóng ấy sẽ chảy qua hệ thống ống đặt trong một thùng chứa nước biển. Thùng chứa nước này được chế biến từ can xăng dự phòng, thường thấy mang theo xe Jeep của quân đội. Lúc động cơ hoạt động, máy bơm hút nước từ biển lên và thổi vào thùng, đồng thời nước biển đã bị nóng chảy xuống biển. Nếu máy bơm không chạy hay không hút được nước từ biển lên thùng, thùng sẽ bị cạn nước. Không có nước biển phụ giúp giải nhiệt, nước trong động cơ bị nóng lên rất nhanh và khung máy bị rạn nứt. Nước giải nhiệt chứa trong máy sẽ theo khe nứt mà chảy vào trong hệ thống nhớt và làm động cơ ngưng hoạt động. Giữa biển khơi mà không động cơ thì ghe bị trôi dạt và nguy hiểm lúc có sóng to gió lớn!

. . .

Mặt trời chưa lên cao, nắng đã nóng gắt rồi. Không khí oi nồng, ngột ngạt hơi thở. Lớp da ướp dầy muối biển và nắng nung đốt sạm đen, bây giờ bứt rứt, khó chịu. Mồ hôi tươm ra gặp nắng gió khô khốc, trắng mốc. Ước tính theo tốc độ và nếu không bị sai lạc phương hướng, ghe chúng tôi đang gần Mã Lai. Tôi có mệt mỏi lắm, buồn ngủ vô cùng, nhưng lo âu thì nhiều hơn tất cả. Cứ sốt ruột nhìn quanh quẩn và mong sao thấy được cái gì đó có dấu hiệu là bến bờ. Chừng như càng mong thì càng lo lắng nhiều hơn; nhất là qua lớp ánh sáng chói chang, lung linh hơi nước, lúc ngó lên cũng chỉ thấy trời cao và ngó xuống thì biển xanh với sóng trùng trùng...

Một lúc sau thì không khí trở nên nóng gay gắt và ngột ngạt hơn. Đám mây phía trước cuộn thành từng khối trắng. Đàng xa, dưới chân trời có vẻ tối xám, khá lạ giữa lúc ban mai. Tôi cảm thấy, có cái gì đó bất thường trong hơi thở và trong linh cảm. Gọi Vũ dưới hầm máy lên, tôi chỉ cụm mây và chân trời phía trước:

- Mày xem... Tao nghi sẽ có mưa bão quá!

Vũ gật đầu đồng ý:

- Dám lắm à!... Tao xuống châm cho đầy thùng dầu chạy máy và chuẩn bị cái máy bơm phụ, giao cho thằng Tài coi để có gì thì nó chạy tát nước...

Vũ nói cho tôi biết, rồi tuột nhanh xuống dưới khoang.

Chuẩn bị vậy, chứ vẫn còn nhiều điều ngoài tầm tay. Trước nhất là hình dạng chiếc ghe này, đóng chỉ để di chuyển trên sông, sóng nhỏ thấp. Lại thêm, hơn hai phần ba chiều dài để trống, không che kín như tàu thuyền đi biển. Nếu sóng to ụp lên, thì lòng khoang sẽ hứng trọn vẹn khối lượng sóng biển. Chỉ một vài đợt sóng lớn như thế sẽ đủ nhận chìm ghe. Không sức người cùng máy bơm nào tát nước ra cho kịp cả!

Bên trên mui, tôi đứng ngó quanh, lo lắng trông chừng các đợt sóng đổ tới để đổi hướng ghe hay tìm khoảng trống an toàn để chạy vào.

Đám mây đàng trước kéo đến càng lúc càng nhanh hơn, không mấy chốc đã che kín mặt trời. Chưa qua buổi trưa mà trời và biển trông như đã sắp tối. Cái tối âm u thật kỳ dị, nó làm rờn rợn da người, nghe lạnh dọc xương sống.

Phút chốc, bầu trời tối sầm và chùng thấp xuống thật gần mặt biển.

Trời và biển đã nối nhau một màu xám đen.

Mặt biển trở nên đen ngòm.

Gió mạnh và có mưa.

Hạt mưa bắn vào lớp da cháy nắng rát rạt.

May là cái mui ghe đã được mấy anh em Vũ cưa và xô bỏ xuống biển, ngay trong đêm mới ra ngoài khơi. Không thì thêm khó khăn và nguy hiểm cho ghe và người lúc này.

Vũ trở lại, đứng trên hầm máy, nhìn tôi lo âu:

- Bão tới thiệt mày à! Tao mới thắp nhang…

- Ừ… không biết lớn nhỏ đây!

Tôi trả lời Vũ và tôi lo nhiều thứ lắm; vì Vũ và tôi cũng chỉ nghe nói về bão, chứ chưa bao giờ trải qua hay có kinh nghiệm vượt biển trong cơn bão. Mắt không dám rời mặt biển đen ngòm cuồn cuộn sóng, và sóng xô giật bánh lái thật mạnh, tôi nói với Vũ đang đứng gần bên:

- Mày phụ tao điều khiển cần tốc độ! Sóng lớn thì chắc tao phải ôm cần lái bằng cả hai tay mới xong!

Tôi tháo địa bàn khỏi cổ, cất kỹ vào túi quần sau. Giông bão đến, chỉ cần lo tránh và lái sao cho sóng đừng làm chìm ghe; phương hướng không còn cẩn thiết.

Giờ thì gió bắt đầu cuộn sóng nổi dậy mạnh hẳn hơn gấp bội. Sóng nối nhau lao đến dồn dập. Cuộn sóng to vừa đập vào ghe thì những đợt sóng kế càng lúc càng to hơn. Sóng vây trùng trùng. Tôi nao núng ngó quanh chiếc ghe. Khắp nơi nơi đều tràn ngập những vòng sóng trắng xóa. Sóng liên tục đẩy dập vào thân ghe mong manh. Ghe lao chao, nghiêng ngả.

Trời mịt mù vần vũ mây đen!

Lúc cưỡi xéo lên sóng, sóng cuộn đẩy chiếc ghe lên cao, lên cao mãi như bất tận; mũi cứ hất cao lên, ghe lao vùn vụt lên trời cao, tưởng chừng sắp đụng tới bầu trời. Thân ghe chao nghiêng, tưởng chừng sẽ lật úp hay bật ngược ra sau. Nhưng kinh hoàng nhất là lúc chạy đổ xuống. Chiếc ghe bé nhỏ như đang bị hút mạnh vào giữa lòng biển sâu, cứ lao vùn vụt vào vòm cửa địa ngục đen ngòm, đang cuốn xoáy và sâu hun hút. Thân người tôi bị kéo chúi tới trước, rồi bất chợt bị giật ngược ra sau. Chưa kịp gượng đứng cho vững thì đã bị xô đẩy nghiêng ngả, bị hất tạt ngang qua bên hông ghe, cứ tưởng là mình sắp văng ra khỏi mui ghe. Tôi dang chân, rùn người trụ xuống, ráng sao đứng cho vững. Bàn chân và các ngón cố mà bấu xuống lớp nhựa sần sùi tráng trên mui để bám dính người lên nóc mui. Nhưng mui ghe và chân đều trơn ướt nước và thân thể trở thành quá nhẹ…

Lắm lúc một bàn chân bị nhóng khỏi nóc mui

Thật là kinh hoàng!

Áp cả hai cánh tay ôm cần lái để ghịt chặt vô hông mà vẫn thấy vô dụng, nó cứ chực tuột khỏi tay mình. Tôi đeo ghì vào cần lái với cả thân người để khỏi bị hất văng khỏi mui ghe mà đưa chiếc ghe chạy nương theo từng cuộn sóng.

Vũ thật hay, như đang dùng chung với tôi một bộ óc. Tôi không cần phải gọi nói chi cả, Vũ điều khiển tốc độ chính xác và đồng bộ với lúc tôi quanh quặt đổi hướng cần lái. Chiếc ghe quay sang trái rồi quặt qua phải, bườn bườn theo sóng một cách thật thảm hại. Càng lúc, tôi thấy chiếc ghe và mình khi sóng nhồi hất tung lên trời hay bị giựt hút xuống lòng biển; trời và biển đều biến thành địa ngục, đều kinh hoàng như nhau!

Tận thế chắc cũng như thế này là cùng!

Nhìn trời đen kịt bên trên ngọn sóng bạc trắng, tôi bàng hoàng và sợ hãi tột cùng...
Lúc tôi thấy mình đã kiệt lực, hai cánh tay và đôi chân rã rời, từng lóng ngón tay và ngón chân tê dại; thì cảm thấy sóng gió có vẻ thưa giảm dần. Tôi nhìn dưới chân mây, có vệt sáng. Dù vệt sáng mờ nhỏ, nó cũng đã hé mở tia hy vọng, cho tôi thêm năng lực.

Tôi vui mừng gọi Vũ:

- Bên phải có ánh sáng!

Vũ ngó theo hướng tôi chỉ và vui mừng khom người la vọng xuống dưới ghe:

- Ráng chút nữa đi bà con ơi. Chắc sắp hết bão rồi!

Vừa chạy tránh sóng, vừa lái ghe hướng về phía có ánh sáng để thoát ra khỏi vùng sóng to gió mạnh. Tôi mong sao trời và biển nơi ấy sẽ yên bình hơn.

May mắn cho chúng tôi, cơn bão không quá lớn, cũng không kéo dài hơn. May mắn nhất là chúng tôi đã không bị đùa xuôi theo luồng bảo. Mừng cho chiếc ghe còn nguyên vẹn và mọi người bình an. Lấy lại hướng chạy cho ghe, nhìn biển xanh hiền hoà thật dễ thương, tôi thấy an bình, sảng khoái như chưa bao giờ có bão. Nhưng cơ thể mỏi nhừ nhắc cho tôi nhớ cơn bão chỉ mới vừa qua.

Tôi vẫn nghe quyền lực của tạo hóa vô song. Và tôi biết, chúng tôi chỉ mới chứng kiến phần nào rất nhỏ của sức mạnh tột cùng ấy, bởi vì chiếc ghe và 73 sinh mạng đã chưa bị vùi chôn trong lòng đại dương. Con thuyền và con người thật nhỏ bé, thật mong manh giữa cơn cuồng nộ của bão tố. Thế nhưng, tôi đã biết sợ hãi. Cái hãi hùng thật kinh khiếp, tôi đã chưa bao giờ trãi qua, dù trong chiến trận. Chúng tôi tạ ơn Ơn Trên đã ban cho chúng tôi bình an và được tiếp tục hành trình tìm tự do.

Sau cơn giông bão, trời và biển thật đẹp!

Tôi mỉm cười với chính mình, khi nhớ đến việc những cơn bão đều được cho mang tên phụ nữ. Người ta còn so sánh cơn bão với phụ nữ trước khi nổi giận; trước khi bão tới bầu trời quang đãng, trong xanh, rất đẹp và rất hiền hòa...

. . .

Gần bốn giờ chiều rồi!

Chiều về, ánh sáng dịu bớt nhiều, nhưng vẫn còn nóng gay gắt. Tôi giữ hướng đến Mã Lai và mắt vẫn ngó tìm quanh quẩn, hy vọng thấy dấu hiệu đất liền. Bất chợt, tôi thấy có ánh đèn chớp nhấp nháy gần chân trời. Không ống dòm và sóng che, nên ánh chớp màu đỏ khi thấy được, khi không; có phần khó thấy lắm.

Tôi đoán chắc ánh đèn hãy còn xa lắm.

Dù vậy, ánh đèn đã chiếu vào lòng mình niềm hy vọng. Tôi mừng vô cùng, nhưng lại không dám tin vào mắt mình. Ngại là mắt bị chói nắng biển nhiều ngày nên sinh quáng mắt. Hay là mình bị buồn ngủ quá độ; ánh đèn này chỉ là ảo tưởng, mình đang thấy trong mơ mộng. Không muốn làm kinh động bạn mình, tôi gọi nhỏ xuống hầm máy:

- Vũ! Mày lên đây coi cái này."

Nghe gọi, Vũ nhóng người qua mui, nhìn tôi dọ hỏi. Tôi nói gọn:

- Có đèn!"

Nghe vậy, Vũ vui lắm; phóng ngay lên mui, nhìn quanh quẩn tìm kiếm. Tôi quay mũi ghe chếch sang phải, chạy thẳng vào ánh đèn, ráng nén niềm vui mừng, điềm tĩnh:

- Hướng 12 giờ. Hình như có ánh chớp của đèn!"

Tôi nôn nóng nhìn thằng bạn ngó quanh quẩn, mà im rơ. Và rồi cả tôi cũng hết thấy ánh đèn. May thay, tôi vừa thấy ánh đèn chớp. Giữ mũi ghe hướng thẳng tới ánh đèn, tôi nói với Vũ:

- Mới thấy đó mà! Mày thử ngó trên mặt biển một chút, ngang tầm với mũi ghe và nhìn lúc sóng đưa ghe lên cao.

Nhưng rồi Vũ nhìn qua lại mãi mà chẳng nói chi. Tôi lại cũng hết thấy đèn; thấy thất vọng, buồn trong lòng lắm. Không biết vì sao; sóng cao, mây che hay chỉ là ảo giác của riêng tôi mà thôi. Biển và trời giữa đại dương mênh mông lắm!

Bỗng Vũ hét lên mừng rỡ:

- Có đèn! Tao thấy đèn!... Tới rồi bà con ơi!

Tôi mừng lắm, nhưng bây giờ thì tôi lại không muốn tin vào mắt Vũ và chính mình:

- Khoan! Khoan la um sùm. Đèn màu gì?

Nó choàng tay ôm vai tôi lắc và cười ha hả:

- Màu đỏ! Tao thấy mà! Tới rồi, mày ơi!

Nghe Vũ trả lời, nhìn bạn vui mừng, thật xúc động:

- Ừ, vậy là đúng như tao thấy rồi. Tao mong đó là Mã Lai!

Vũ ngồi khom xuống khoang, la lớn qua cái cửa thông lên mui:

- Tới rồi! ... Thấy Mã Lai rồi bà con ơi!

Rồi như sợ dưới ghe không nghe hết, Vũ tuột ngay xuống báo tin vui. Tôi nghe tiếng bạn mình và người ta gọi nhau báo tin vang dậy bên dưới. Tiếng cuời đùa ồn ào bên dưới ghe... Ngoài mũi ghe, một nhóm vài ba thanh niên tò mò, e dè đứng nhóng người lên để nhìn cho tận mắt, và chỉ nhau về hướng mà họ nghe nói là có ánh đèn. Tôi cũng vui lây, niềm vui và thấy ấm lòng; như cuối đoạn hành quân, nơi điểm đến mà đơn vị bình an. Tôi biết, đứng thấp bên dưới ghe, họ không thật sự thấy đèn đâu. Nhưng niềm vui của Vũ đã cho mọi người niềm vui và niềm tin giữa đại dương và sau bao ngày đêm âu lo, mong đợi. Tin vui mang lại sức sống cho những thân người đang nằm rã rượi trong lo âu, mệt mỏi vì say sóng. Mọi người được hồi sinh, rộn rã tiếng nói, tiếng cười...

Ánh đèn đỏ nhấp nháy còn xa lắm, khi thấy khi không làm cho mình bâng khuâng, nôn nao. Tuy tin rằng ánh đèn màu đỏ là có thật. Thấy được bên trên chân trời, thì nó phải từ đỉnh cao nào đó trên đất liền. Nhưng vẫn phải phân vân lo ngại vì không biết chắc các tia chớp đỏ ấy từ nơi đâu. Nhưng tiếng nói, tiếng cười bên dưới khoang đã làm mình cũng thấy lạc quan và vui mừng theo.

Vũ trở lên mui, mang cho tôi điếu thuốc đã đốt sẵn và ngồi lại hút thuốc chuyện trò với tôi.

Chúng tôi thật sự cũng vui lắm, thấy nhẹ bớt âu lo trong thời tiết thuận lợi và khoảng cách còn lại phía trước. Niềm vui, ước vọng, câu chuyện, tiếng cười rộn rã nối chen nhau vui nhộn cả ghe.

Có tiếng động và bóng người bước lên hầm máy.

Một phụ nữ đứng chồm qua khung cửa trên mui. Hai đứa tôi ngạc nhiên nhìn; nhưng nụ cười của chị làm chúng tôi an tâm.

Vũ vồn vã chào đón:

- Chào Chế Hai!

Chị cười tươi đưa cái ca nhôm cho Vũ:

- Cho tui gởi cho cậu và chú lái ghe miếng nước chanh... Uống chung đi nghen!

Vũ cầm lấy cái ca và đưa cho tôi uống trước:

- Cám ơn chế Hai nghen. Số dzách! Nước chanh đường của hai người đẹp làm!

Người phụ nữ mà Vũ chào đón là "người đẹp" và gọi là "chế," tức là chị trong tiếng Tiều, làm mặt nghiêm nghị mà không dấu được nụ cười và niềm tự hào của phái nữ khi được khen tặng là mình đẹp. Chị nguýt thằng bạn tôi một cái dài:

- Hứ!... cái cậu này vợ con đùm đề mà còn lộn xộn hoài, gặp ai cũng trêu chọc là người đẹp hết á!

Chị "Hứ! " nghe gay gắt nhưng mắt và môi cùng hài lòng lắm. Vũ cười hiền, chỉ tay vào tôi:

- Tui nói là để giới thiệu cho cái "chú lái ghe" này đây biết mà chế Hai!... tội nghiệp thằng bạn tui mà nó còn độc thân, chế à...

- Thôi đi!... Độc thân cái kiểu như cậu hồi đó á... thì còn quá cha người ta có vợ có con!... cả xóm ai mà hỏng biết tiếng cậu!

Vũ ngó xuống bên dưới khoang, làm mặt hốt hoảng sợ hãi, rồi nghiêng người sang gần bên chị mà hạ giọng phân trần:

- Chế ơi là chế! Chết "ngộ" dzồi!... Bả ngồi dưới đó mà chế cứ khai um sùm hà!... Cái này thì là... là chế hại "ngộ" dzồi... Nè chế à!... cái "chú lái ghe"này nó là bạn tui mà, nó là lính mình đó mà chế!... Nó ra tù thì trốn xuống ghe với tui hèn lâu rồi, tui bảo đảm mà chế...

- Ờ!... Ờ thì biết dậy đi! nhưng mà... lính tráng thì ai mà tin nổi mấy cái chuyện bồ bịch, vợ con, cậu ơi!

Chị lên giọng và kéo dài mấy chữ "cậu ơi" cuối câu.

Vũ không nản lòng:

- Ậy, đừng có nói dzậy chế à! Tội nghiệp nó! Nó hiền lắm mà... Chế hỏng thấy nãy giờ nó có nói gì đâu...

- Thì tại cậu có để cho ai nói đâu mà nói chứ!

Vũ ngó tôi cười ha hả:

- Ngon nhe, mày có nghe rõ chưa mậy?... có chế Hai đây bênh mầy rồi đó!

Tôi cười cầu hòa, đưa ca nước chanh lên xen vào:

- Cám ơn chế Hai và gia đình nhiều lắm nghen!

- Có chi đâu!... Chút ít mà, ơn gì mà ơn hỏng biết á!... Thôi!... tui để mấy cậu ngồi uống nước nói chiện, tui xuống dưới... dới em gái tui nghen!

Chị nói, rồi trở xuống bên dưới khoang ghe.

Ngó chừng xem chị đã khuất xa xuống dưới khoang rồi, Vũ nheo mắt cười và nói nhỏ với tôi:

- Đó! Mày nghe chưa, bả nhắn gởi là có em gái đó!

Tôi nhớ lại:

- Đúng rồi...

- Thì đó, tao đã nói mà! Bả hai con mà còn như vậy, thì biết em gái bả cỡ nào... Số dzách luôn!

Hơn bảy mươi người trốn theo ghe!

Từ lúc ra khơi, phải ở trên mui ghe ôm giữ cái cần lái. Tôi chỉ quen biết vài người là thân quyến của Vũ. Nghe Vũ nói, trên ghe có thầy Son, thầy dạy môn Toán cho chúng tôi hồi học cấp Trung học. Thầy đi cùng hai đứa con. Vậy mà tôi cũng đã chưa có dịp đi xuống bên dưới ghe để gặp thầy, để thăm chào thầy Son. Nói chi đến chuyện đi ra ngoài khoang trước để tìm người quen hay làm quen với ai cả.

Bây giờ vừa lừ đừ vì mệt mỏi và buồn ngủ, vừa lo nhìn chiều sóng bổ tới mà lái chiếc ghe. Đầu óc tôi đặc sệt, không còn chỗ để suy nghĩ hay thiết tha chi thêm các chuyện khác. Tâm trí tôi chỉ mong thấy một điều, đó là nơi có ngọn đèn đỏ phía trước. Ước mong sao, nơi đó thật sự là bến bờ tự do và mọi người trên ghe đều được an toàn. Nếu mà có thấy lại chế Hai, trong đám đông dưới ghe, chưa chắc tôi nhận ra chị...

Tin sắp đến Mã Lai, làm người ta vui mừng và rộng rãi dùng các món đã phải cất riêng, dành dụm để hộ thân mình như đường, chanh,... Hớp miếng nước chanh thơm ngọt rồi đưa ca nước sang mời Vũ, tôi nói đùa theo bạn mình cho vui:
- Số dzách!... Uống ... ca "chanh đường, uống môi em ngọt"!


(KỲ TỚI: CHƯƠNG 15 – CHIỀU ĐEN)

Bùi Đức Tính
 

 

 

 


Bùi Đức Tính

Tập Truyện Thuyền Đời

Chương 1 - Dòng sông quê hương - Audio
Chương 2 - Xuân quê hương - Audio
Chương 3 - Con thuyền - Audio
Chương 4 - Cuộc đời - Audio
Chương 5 - Đêm vẫn đen - Audio
Chương 6 - Chuyến đi cuối nămAudio
Chương 7 - Rồi Tết lại đến - Audio
Chương 8 - Còn thương quê hương tôi - Audio
Chương 9 - Nhớ cả trời Việt Nam - Audio
Chương 10 - Một lần đi - Audio
Chương 11 - Từ dòng sông này - Audio
Chương 12 - Nghìn trùng cách biệt - Audio
Chương 13 - Vượt thoát - Audio
Chương 14 - Biển đông - Audio
Chương 15 - Chiều đen - Audio
Chương 16 - Biển lửa - Audio
Chương 17 - Đêm trắng - Audio
Chương 18 - Lênh đênh - Audio
Chương 19 - Biển xanh - Audio
 


Passage to Freedom  
Đất nước tôi!
Còn nhớ mùa xuân  
Tết  
Hồi Ký Thuyền Đời của nhà văn Bùi Đức Tính  
Dòng sông quê hương - Dòng Cửu Long   
Ngày oan trái! - Audio
Đất nước tôi - Audio
Tiếng trống Mê Linh - Audio
Chuyện cuối năm - Audio
Màu áo cũ - Audio
Mang theo quê hương  Audio
Trong âm thầm còn nhớ ai! - Audio  
Sài Gòn là đây sao em! - Audio
Chuyện trăm năm - Trên quê hương - Audio
Chuyện trăm năm - Một ngày - Audio  
Trăm đắng nghìn cay - Audio
Chiếc áo Bà Ba - Audio
Giữa đồng xưa - Audio
Áo trắng - Audio
Gửi nơi cuối trời - Audio
Còn nhớ mùa xuân - Audio
Từ một chuyến đò - Audio
Dêm thánh vô cùng - Audio
Khi mùa đông về  - Audio
Noel năm nào - Audio
Khúc quân hành - Audio
Cho ngàn sau - Audio
Nghìn trùng xa cách  -  Audio
Rồi lá thay màu - Audio
Con chim biển 3 - Tìm về tổ ấm - Audio
Con chim biển 2 - Trên biển khơi - Audio  
Con chim biển 1 - Tung cánh chim - Audio
Đốt sách ! - Audio
Đi học  
Sài Gòn Audio
Thầy Chín - Audio
Đi buôn - Audio
Khi tôi về - Audio  
Làng tôi - Audio 
Sao em không đến - Audio  
Anh đi!  - Audio  
Vỉa hè đồng khởi Audio
Ngày đại tang  
Chuyện mất chuyện còn  
Con chim Hoàng Yến Audio 
Nhớ cả trời Việt Nam
Còn thương quê hương tôi
Tôi muốn mời em về
Chuyện Tết
Còn nhớ không em?
Trên đồi Tăng Nhơn Phú - Audio
Remember!
Cánh chim non - Audio
Đốt sách
Buổi tựu trường
Đêm trắng
Nước mắt trong cơn mưa   
Trăm đắng nghìn cay  
Con đường tôi về
Hãy còn đó niềm tin
Chiều ra biển  
Bước chân Việt Nam
Người lính già
Để nhớ
Đi buôn  
Ngày anh đi  
Rồi tết lại đến
Bài thánh ca buồn
Tears of pride  
We remember
Mùa hè đỏ lửa  
Có chuyến bay  
Lời ca
Để nhớ để quên
Cờ mình!
Khắc chữ Tự Do
Tết