Biển êm, trời trong xanh. Chiều hôm nay biển êm ả, dịu hiền. Biển và trời đều thật đẹp, thật yên bình như ước mơ. Ước mơ được sống và làm người trên một đất nước tự do, nơi quyền tự do, nhân quyền được tôn trọng đã như ánh đèn phía trước càng lúc thấy rõ hơn, gần hơn. Ước mơ: một sáng mai đây, trong ánh bình minh, thuyền nhân 3392 sẽ được chào đón một ngày mới. Một ngày mới được sống lại và làm người tự do.
Tia chớp sáng màu đỏ bây giờ dễ thấy hơn nhiều!

Tôi ngắm ánh đèn đỏ xa xa phía trước, nhìn biển xanh hiền hoà, lòng thanh thản, yên vui và tràn đầy hy vọng ghe sẽ đến bến bờ trong đêm nay hay sáng mai. Đã về chiều, chân trời có màu hồng ửng sắc vàng thật đẹp, có điều mỗi khi sóng đưa lên cao xéo bên trái có cái chấm đen. Cái chấm đen này, càng lúc càng rõ dần và nó gần hơn khá nhanh. Nó làm cho buổi chiều tươi hồng cũng nhuộm màu đen.

Tàu!

Tôi buột miệng kêu lên. Và rồi, không biết sao, tôi thấy bất an trong lòng khi nghĩ là tàu. Cố gạt bỏ ý nghĩ đến tàu cướp biển Thái Lan, nhưng nó cứ chập chờn trước mắt, cứ làm tôi bồn chồn lo lắng quá. Tôi gọi Vũ đang đứng ló người qua mui; chỉ cái chấm đen cho Vũ xem:

- Hướng 11 giờ. Mày nghĩ sao về cái chấm đen này?

Quá rõ ràng! Vũ nhìn thấy ngay, lầu bầu:

- Tao nghi nó là tàu Thái Lan quá mày à... Má nó, tới đây rồi mà bị cướp thì đau quá!

- Ừ, tao cũng thấy lo lắm!

Hai đứa tôi nín lặng, lắm thứ muốn nói mà lại chẳng biết phải nói những gì. Tôi hỏi ý Vũ:

- Bây giờ, thử cho là cướp biển, vậy mình phải làm gì đây? ... Không vũ khí, giao ghe hay chống lại?

Thấy Vũ yên lặng, khó xử; tôi gợi ý:

- Hay là... mày xuống bàn với gia đình và bà con bên dưới... Tao một thân một mình, tao bất chấp, tuỳ bà con...

Vũ đứng nhìn cái chấm đen đang lớn dần mặt lo âu. Tôi an ủi và khuyến khích bạn mình:

- Mày cứ xuống hỏi ý bà con trong tàu đi, rồi cho tao hay sớm. Dù sao, ghe mình cũng… đông người hơn!

Chốc sau, Vũ trở lên trên mui ghe cùng với dân, Duy và Liễn. Ngó cái chấm đen đã thành hình dạng chiếc tàu di chuyển đến; Vũ cho tôi biết:

- Bà con không chịu giao ghe, mày nghĩ xem ...

Vũ nghẹn lời, dừng lại. Tôi nhìn vũ chờ đợi.

- … Không lẽ… mình xuôi tay để cho tụi nó muốn làm gì thì làm ... Tới đâu thì tới! Thà là chết chớ không giao ghe cho nó cướp!

Tôi hiểu nỗi khổ tâm và đau đớn của bạn mình và thân quyến trên ghe; khi phải chứng kiến thân quyến của mình bị hành hạ, hãm hại. Những vết thương đau ấy sẽ rất khó mà lành; dù với thời gian, với tháng năm dài mãi về sau này.

- Yên tâm! Tao cùng bà con đánh đến cùng!... Không súng, mình tính cách theo không súng đạn.

Nhắc đến súng đạn, chúng tôi nhớ đến buổi chiều chuẩn bị vượt biển. Ghé xưởng của ông Năm để thay ống khói mới, bộ giảm thanh, cho tiếng động cơ nhỏ hơn. Vũ lấy ống khói cũ đem xuống ghe cất. Lúc đó, hai đứa tôi cũng chẳng có ý cất để làm gì hết. Có ống sắt dài và cứng thì cất để hờ đó, biết đâu sẽ cần. Thấy ống hãm thanh cũ bị khói và nóng nung thành màu đen, có đầy lỗ nhỏ; tôi bảo, trông giống nòng súng đại liên quá!

Dỡ mấy tấm ván lót trên khoang cho trống, Vũ tuột xuống dưới hầm máy, lấy ống khói cũ, đem lên mui. Ba anh em Vũ tìm cách cốt gắn nó lên thùng đồ nghề sửa máy, vốn là thùng đựng đạn đại liên cũ. Mới gác ống sắt giả làm nòng súng lên cái thùng, chưa kịp cột đâu đó cho chắc chắn, thì chiếc tàu đã lồ lộ hiện rõ ra tàu đánh cá. Nó chạy nhanh quá, làm mấy anh em quýnh quáng thêm. Không còn thời gian để kiềng cột hay làm chi khác…

- Kệ nó!

Vũ thở dài. Thật vậy, thà đành chịu để yên như thế; còn hơn làm dở dang không ra gì hết; và ngại là tụi cướp theo dõi bằng ống dòm phát giác công việc giả tạo trên ghe mình.

Từ xa nhìn cái ống khói cũ nằm gác trên thùng đạn, ló một đoạn ra khỏi tấm bạt, chắc là trông cũng giống nòng cây súng đại liên lắm. Cái nòng súng giả ló ra và kế bên còn có thêm thùng đạn, trông cũng rất khí thế. Duy đứng kế bên, lấy chân chèn giữ cho cái nòng súng nằm tựa vào chân băng ghế, đỡ lắc lư theo sóng. Đến lúc này, chúng tôi chỉ còn biết cầu mong vào may mắn, cho tàu lạ thấy cây đại liên thì né tránh và bỏ đi cho xong. Vũ tuột nhanh trở xuống hầm máy, đứng sẵn sàng để điều khiển hộp số và gọi thêm Dân và Tài lên với tôi.

Tài đứng kế bên, quay sang nói với tôi:

- Anh Tính cứ giữ lái… Có tụi em!

Tôi hiểu ý Tài, khi tấn công bọn cướp tìm hạ người lái ghe trước. Đó là lý do mà Vũ cho bốn tay “chiến” lên trên mui, để bảo vệ tôi.

Nhìn bốn thanh niên sắc mặt đanh lại quyết chiến, tôi thấy mình thật là may mắn khi có Duy, Liễn, Dân và Tài bên cạnh. Tôi gật đầu:

- Ngon lành! Có mấy em, anh an tâm lắm!

Chiếc tàu đánh cá đã tới rất gần. Thân màu gỗ nâu vàng với những trang trí và chữ Thái Lan sặc sỡ. Mũi tàu cao sừng sững. Nó như con kình ngư khổng lồ. Cho ghe giữ hướng và tốc độ trung bình, chúng tôi vẫy tay chào thân thiện, và ngó chừng, chờ đợi hành động của tàu Thái. Phóng đến gần ghe thì tàu Thái chậm lại, chạy cặp theo bên trái một lúc chắc để dò xét. Khi thì nó vượt qua, rồi quặt ngang trước mũi ghe và vòng qua bên cạnh phải của chúng tôi.
Không rõ tàu Thái Lan có bao nhiêu người tất cả. Thấy được sáu tên Thái, hai trong phòng lái, một đứng ở mũi, hai trên sàn tàu và một tên cạo đầu trọc đứng chót vót trên mui tàu. Tàu đánh cá Thái cứ thế, chạy chậm chậm vòng quanh chúng tôi để tiếp tục dọ xét. Nó giống như con thú dữ đang ngắm nghía vờn mồi. Khi nhìn thấy hình dạng khẩu súng đại liên, chúng nó có vẻ ngán sợ, cho bung tàu tránh ra xa hơn, có ý nằm ngoài tầm đạn bắn; nhưng vẫn bám theo ghe.

Chúng tôi tiếp tục chạy tới ánh đèn, trong lòng lo lắng nhìn chiếc tàu Thái Lan; con thú đói hung tợn còn thèm tiếc con mồi lắm, nó không chịu buông tha một cách dễ dàng. Nó nằm từ xa mà ngó chừng, theo dõi ghe chúng tôi; để tìm cơ hội tấn công.

Và rồi điều chúng tôi lo ngại cũng xảy ra!

Cơn sóng to vỗ mạnh vào ghe làm nòng súng bị tung lên, rớt xuống lăn leng keng. Tiếng kim loại gõ lên mui ghe nghe khô khan, gõ nhói trong tim. Sáu anh em chúng tôi như nghẹn thở. Nhanh chân đạp giữ ống khói, Duy nhìn nòng súng nằm chơ vơ trên mui rồi ngó sang tàu thái Lan mà bối rối và lo lắng.

Vũ kêu khẻ:

- Trời!

Tôi nói cho Duy an tâm:

- Nó phải rớt! Sóng đập như vầy, nó nằm yên nãy giờ là hay lắm rồi… Mình chuyền cây sắt đó xuống dưới cho bà con làm vũ khí…

Duy vừa đạp chặn ống khói, vừa đẩy nó về gần tay Vũ. Vũ chồm lên lấy chuyền xuống bên dưới mui ghe. Phía trước, chiếc tàu Thái quay mũi và phóng thẳng tới chúng tôi. Như vậy, chắc là chúng nó đã nhìn thấy hết mọi chuyện trên mui ghe rồi. Tôi lo lắng:

- Chắc nó sẽ cướp ghe!...

Chỉ trong phút chốc, tàu Thái đã lù lù tới!

Nó chạy quanh ngang trước đầu ghe chúng tôi. Thoáng một cái, nó đã vòng sát bên hông trái. Như để thị uy, cướp tinh thần, chúng cho tàu chạy thật gần, làm sóng cuộn cao lên. Sóng tạt vào mấp mé be chiếc ghe 3392 thấp nhỏ. Mấy tên Thái đánh cá đã hiện rõ thành những con thú man rợ mặt người. Chúng chạy vòng qua bên phải. Cả đám tụi nó ngó nơi có cây nòng súng trước đó. Rõ ràng cái nòng súng đã không còn ở đó. Tàu Thái vòng qua sau đuôi để dòm ngó thêm. Chúng đem tàu trở lại bên phải; rồi chạy song song và hơi lùi về phía sau chúng tôi; chẳng biết để dò xét hay sẽ làm gì…

Trong lúc đầy đe dọa và chiếc ghe đơn độc giữa biển, tôi nhìn cái đèn đỏ đằng trước mà nóng lòng lắm. Càng nóng lòng, sốt ruột thì càng thấy ghe chạy hoài chẳng thấy gần hơn. Lại thêm, có đến gần bờ biển, chiều tối xuống tàu thuyền đánh cá hầu hết đã quay về đất liền. Giữa đại dương, cô thế đối đầu với hải tặc, hiểm nguy thật khó lường. Đứng giữ cần lái, tôi ngó chừng bên tàu cướp. Tôi báo với mấy anh em trên mui, lưu ý hai thằng Thái đứng chống cây móc cá bằng sắt trên sàn tàu.

So với chiếc 3392, tàu cướp cao lớn quá!

Chỗ thấp nhất là sàn tàu thì đã cao hơn nóc mui ghe chúng tôi. Mui của tàu Thái có cửa cao ráo, đi thẳng người ra vào, như cửa nhà vậy. Còn cái mui ghe của chúng tôi thì chỉ cao hơn đầu người đang ngồi chừng hơn hai gang tay mà thôi. Tụi nó chỉ cần đứng trên sàn tàu, là phóng được từ trên cao xuống tới mui ghe ngay, chẳng cần leo trèo chi cả.

Tôi gọi Vũ, còn đứng ló người lên trên mui:

- Mày rút xuống để lo dưới ghe. Đậy và khoá nắp mui lại, cho tụi nó khó lọt vào trong ghe.

Bỗng tôi thấy một tên Thái gọi thằng đầu trọc đứng trên mui. Tên này chạy lấy cuộn dây thừng thảy xuống.

Nhìn nó đón chụp cuộn dây và máng chéo qua người; nghĩ là tụi nó ra tay, tôi la lên báo động:

- Nó cướp ghe!

Cùng lúc với tiếng tôi la thì chiếc tàu của tụi Thái gầm lên, chớp nhoáng đã nhập sát vào. Tôi chỉ kịp thấy loáng thoáng hai bóng người cầm chĩa sắt phóng xuống mui ghe mình, thì có bàn tay ai đó xô đè tôi xuống. Hai cánh tay tôi ôm chặt cần lái để giữ cho ghe chạy thẳng tới, bên trên là thân người của mấy đứa em che kín lấy mình. Tiếng la hét, tiếng chửi thề, tiếng chân tay vang huỳnh huỵch, đủ thứ âm thanh hỗn loạn quanh tôi. Tất cả những diễn tiến xảy ra thật đột ngột và ngưng cũng rất nhanh. Nhanh hơn tôi kể lại. Trong chớp nhoáng, mọi người xung quanh tản ra hết…

Hai tên hải tặc Thái trên mui ghe đã biến đâu mất. Nhưng bốn đứa em trên mui còn đủ; đang dồn sang mé phải của mui ghe. Duy đứng kế Liễn, tay cầm cây mã tấu của quân đội. Liễn giữ cuộn dây thừng, đoạt được của thằng cướp biển Thái Lan. Nhìn theo hướng của mấy anh em, đoán rằng hai thằng phóng sang cướp ghe chắc đã rớt xuống biển, tôi hỏi lớn:

- Tụi nó dưới biển hả?

Tài quay lại, đưa cây móc sắt của thằng hải tặc, lên khoe:

- Hai thằng văng xuống biển hết rồi anh!

Nghe vậy, tôi mừng lắm. Chợt thấy vết máu trên mui ghe, tôi lo lắng:

- Ai bị thương vậy?

- Thằng Thái Lan, đó anh!

Dân tiếp lời Tài:

- Nó bị tụi em chém trúng cánh tay, té văng xuống biển.

Trong lúc tàu cướp còn đang lo vớt hai đồng bọn dưới biển lên, tôi đảo vòng lấy lại hướng có đèn đỏ.

Kéo ga cho ghe chạy lẹ tới…

Thấy yên tĩnh, Vũ mở nắp mui, xem tình hình.

Nghe Tài và Dân trả lời tôi về hai thằng cướp biển, Vũ hả dạ lắm, hỏi thêm:

- Đứa nào “chơi” tụi Thái tới đổ máu vậy Tài?

- Nó đâm anh Dân trước. Ảnh hốt được cây chĩa của nó và “dớt” cây dao trúng vô cánh tay nó. Nó lì đòn lắm, bị một nhát nữa máu chảy ròng ròng mới quíu đít buông cây chĩa, ăn thêm một đá rớt xuống biển... Em với thằng Duy phải đứng che cho anh Tính, chưa kịp vô ăn có được cái gì hết thì tụi nó đi “đái”... dưới biển hết mẹ rồi!... Mạng hai thằng này còn lớn, thằng nào mà xáp lại gần tụi em thì cây mã tấu của thằng Duy nó xả làm hai là hết về Thái luôn. Cây chĩa sắt của tụi nó nè anh Vũ.

Tài khoái chí, kể một hơi dài dòng, rồi bước lại gần đưa cho Vũ xem chiến lợi phẩm của mấy anh em. Nghe nhắc đến tên mình, Duy bước lại tiếp chuyện:

- Anh Dân mà có cây mã của em, một nhát thôi là cánh tay của nó rụng luôn rồi!... Má nó! Cho tàn đời thằng cướp biển..... Anh Liễn thì chưa thèm chơi dao. Tay không thôi! Ảnh “đục” thằng Thái kia đẹp lắm anh Vũ ơi! .... Cái thằng “cốt đột” mang dây thừng đó, nó phóng qua đạp hụt ảnh. Ảnh né ngang, sàng người qua chặt cạnh tay một cái, nó buông cây chĩa liền. Nó chưa kịp hoàn hồn vía thì bị ảnh tóm được cuộn dây nó mang trên cổ nó… Má nó! Ảnh ghị cuộn dây, lôi cái đầu nó xuống cho ăn gối với chỏ tới tấp, coi đã luôn!... Ba ngày nữa nó chưa hả miệng mà húp cháo nổi. Nó quậy vuột khỏi cuộn dây thì bị anh Liễn tống cho một đạp văng xuống biển… Ảnh còn cầm cuộn dây của nó kia kìa!

Duy hứng chí, kể thêm một hơi dài, rồi chỉ sang Liễn. Liễn nghe vậy đưa cuộn dây thừng lắc lắc và cười hãnh diện. Thấy tôi nhìn cây dao dài trên tay Duy, Vũ hỏi tôi:

- Mày nhớ cây “mã” này mà Tính!

Gọi là “mã”, hay mã tấu, chứ thực ra nó là cây dao của quân đội mình, thường dùng chặt cây, dọn lối đi hành quân. Lưỡi dao bằng thép màu đen, bề bản hơn hai lóng tay, dài gần năm tấc, tính luôn cán thì khoảng sáu tấc. Vỏ bằng nhựa cứng màu xanh rêu của quân đội. Thời còn học Trung học, Vũ xin ông anh bà con cây dao này để “hộ thân”. Nó đã một thời gắn bó với chúng tôi. Hồi đó, chúng tôi dấu nó dưới yên xe Honda của thằng Phát. Ba đứa một xe đèo nhau đi tiếp ứng bè bạn. Tới nơi, thằng Phát thắng xe sàng ngang, phóng xuống dỡ cái yên xe lên cho thằng Vũ rút cây “mã” ra. Cả đám đang vây đánh thằng bạn thấy ba đứa chúng tôi phóng tới và thằng Vũ hầm hầm quơ cây mã tấu thì khiếp đảm mà ùa nhau lên xe chạy mất hết. Tôi gật đầu và cười vui với kỷ niệm thời trai trẻ:

- Ừ, nhớ chớ!.... Hồi đó tụi mình chỉ dùng nó để “hù” mà thôi, có chém trúng ai bao giờ!...

Cũng như ngày hôm nay, chúng tôi chỉ muốn bảo vệ mình và đồng bào trên ghe mình, phải xua đuổi những kẻ tấn công mình và tìm cách cướp ghe, để hãm hiếp người thân, bạn bè mình. Ngay từ đầu, chúng tôi đã cố gắng tránh bạo lực bằng nụ cười và những vẫy tay thân thiện của mình. Nhưng sự thật đau lòng: không thể giữ hòa bình đối với những kẻ tàn bạo, hung hãn.

Đã tấn công chúng tôi bằng vũ khí!

Đã có máu!

Hải tặc Thái đã bỏ lại cuộn dây thừng, nhằm trói cột chúng tôi, và những ngọn giáo sắt hung bạo của chúng nó. Chẳng may máu của kẻ hung bạo đã đổ xuống ghe chúng tôi; chắc chắn chúng nó đang tìm cách trả thù. Chúng tôi không thể tránh được những gì mình cố tránh né. Bây giờ, mọi người phải sẵn sàng chống lại các cuộc tấn công tiếp theo của bọn cướp biển. Tất cả phải gấp rút lo mà tìm cách để tự vệ. Một nhóm thu nhặt, tận dụng tất cả chai bằng thuỷ tinh, châm xăng vô và nhét giẻ để làm bom xăng. Một nhóm gấp rút chặt dây, tháo cái mui lá che khoang ghe và xô xuống biển; cho trống thoáng và tránh bị hải tặc phóng hỏa đốt ghe. Đàn ông thanh niên tìm búa, dao, xà beng, lấy cây làm gậy gộc,… bất cứ cái gì làm vũ khí được thì cầm sẵn trên tay. Phụ nữ và các em gái trẻ bôi dầu máy dính trong khoang cho người trông dơ bẩn; chen chúc nhau chui trốn trong hầm mũi và hầm máy phía sau.

Mọi người đồng lòng và đầy nhiệt tình, nên công việc hoàn tất thật nhanh chóng. Có lẽ, nhờ tin chém và đánh hai thằng cướp Thái Lan văng xuống biển, mọi người tuy còn nét lo lắng nhưng có vẻ tự tin hơn. Bây giờ không còn là lúc để sợ hãi mà phải đoàn kết và can đảm đối đầu với hải tặc Thái. Tất cả trông bình tĩnh; đứng dọc hai bên ghe chuyện trò, và sẵn sàng chống trả để bảo vệ chiếc ghe và thân quyến…

. . .

Hơn sáu giờ chiều, mặt trời chìm dần vào lòng đại dương, chút ánh sáng vẫn còn sót lại trên nền trời.

Ngày sắp hết!

Niềm hy vọng đến bến bờ tự do của chúng tôi cũng sắp tàn lụi theo ánh sáng.

Tôi nát trong lòng khi nhìn những đôi mắt thất thần, đầy tuyệt vọng trên những gương mặt tái xanh, bê bết dầu máy của những người mẹ, người vợ, những chị em gái trẻ. Trẻ con như linh cảm được nỗi kinh hoàng của mẹ cha, ngồi co rúm sợ sệt. Niềm hân hoan chiều nay sao quá ngắn ngủi. Định mệnh sao quá khắc nghiệt với chúng tôi!

Tôi nghe tiếng thì thầm cầu nguyện!

Tôi thấy nước mắt và nước mắt…
 

(Kế tiếp: Chương 16)

Bùi Đức Tính

 

 

 

 


Bùi Đức Tính

Tập Truyện Thuyền Đời

Chương 1 - Dòng sông quê hương - Audio
Chương 2 - Xuân quê hương - Audio
Chương 3 - Con thuyền - Audio
Chương 4 - Cuộc đời - Audio
Chương 5 - Đêm vẫn đen - Audio
Chương 6 - Chuyến đi cuối nămAudio
Chương 7 - Rồi Tết lại đến - Audio
Chương 8 - Còn thương quê hương tôi - Audio
Chương 9 - Nhớ cả trời Việt Nam - Audio
Chương 10 - Một lần đi - Audio
Chương 11 - Từ dòng sông này - Audio
Chương 12 - Nghìn trùng cách biệt - Audio
Chương 13 - Vượt thoát - Audio
Chương 14 - Biển đông - Audio
Chương 15 - Chiều đen - Audio
Chương 16 - Biển lửa - Audio
Chương 17 - Đêm trắng - Audio
Chương 18 - Lênh đênh - Audio
Chương 19 - Biển xanh - Audio
 


Passage to Freedom  
Đất nước tôi!
Còn nhớ mùa xuân  
Tết  
Hồi Ký Thuyền Đời của nhà văn Bùi Đức Tính  
Dòng sông quê hương - Dòng Cửu Long   
Ngày oan trái! - Audio
Đất nước tôi - Audio
Tiếng trống Mê Linh - Audio
Chuyện cuối năm - Audio
Màu áo cũ - Audio
Mang theo quê hương  Audio
Trong âm thầm còn nhớ ai! - Audio  
Sài Gòn là đây sao em! - Audio
Chuyện trăm năm - Trên quê hương - Audio
Chuyện trăm năm - Một ngày - Audio  
Trăm đắng nghìn cay - Audio
Chiếc áo Bà Ba - Audio
Giữa đồng xưa - Audio
Áo trắng - Audio
Gửi nơi cuối trời - Audio
Còn nhớ mùa xuân - Audio
Từ một chuyến đò - Audio
Dêm thánh vô cùng - Audio
Khi mùa đông về  - Audio
Noel năm nào - Audio
Khúc quân hành - Audio
Cho ngàn sau - Audio
Nghìn trùng xa cách  -  Audio
Rồi lá thay màu - Audio
Con chim biển 3 - Tìm về tổ ấm - Audio
Con chim biển 2 - Trên biển khơi - Audio  
Con chim biển 1 - Tung cánh chim - Audio
Đốt sách ! - Audio
Đi học  
Sài Gòn Audio
Thầy Chín - Audio
Đi buôn - Audio
Khi tôi về - Audio  
Làng tôi - Audio 
Sao em không đến - Audio  
Anh đi!  - Audio  
Vỉa hè đồng khởi Audio
Ngày đại tang  
Chuyện mất chuyện còn  
Con chim Hoàng Yến Audio 
Nhớ cả trời Việt Nam
Còn thương quê hương tôi
Tôi muốn mời em về
Chuyện Tết
Còn nhớ không em?
Trên đồi Tăng Nhơn Phú - Audio
Remember!
Cánh chim non - Audio
Đốt sách
Buổi tựu trường
Đêm trắng
Nước mắt trong cơn mưa   
Trăm đắng nghìn cay  
Con đường tôi về
Hãy còn đó niềm tin
Chiều ra biển  
Bước chân Việt Nam
Người lính già
Để nhớ
Đi buôn  
Ngày anh đi  
Rồi tết lại đến
Bài thánh ca buồn
Tears of pride  
We remember
Mùa hè đỏ lửa  
Có chuyến bay  
Lời ca
Để nhớ để quên
Cờ mình!
Khắc chữ Tự Do
Tết