Chạy được một đoạn chừng nửa giờ thì Vũ khều vai tôi và chỉ ra phía sau:

- Nó tới!

Tiếng báo động chuyền nhanh ra tới ngoài mũi và cùng khắp trong khoang ghe. Những thuyền nhân trọng tuổi nhường chỗ ẩn trốn trong hầm kín cho phụ nữ trẻ, gom lại trong góc gần phòng lái cùng với trẻ con, ngồi co ro sợ sệt trên sàn ghe. Đàn ông, trai trẻ lấy vũ khí cầm lên tay, gọi nhau sắp xếp chỗ đứng và phân chia trách nhiệm. Sau khi tháo bỏ cái mui lá che lụp xụp trên khoang ghe, chiếc 3392 bây giờ trông gọn gàng, sự đồng lòng tham chiến. Hàng người đứng dàn dọc theo hai bên thành ghe trông thật oai hùng. Nhóm đánh bằng bom xăng cũng sẵn sàng chờ tàu cướp sáp lại gần tầm để chọi bom xăng sang tàu hải tặc. Thật xúc động khi nhìn tinh thần chiến đấu của những anh em dáng vóc rất là thư sinh, bình thường chắc là rất sợ chuyện đánh nhau. Tôi nhìn chiếc ghe với hàng người đang dàn đội hình, hình ảnh oai hùng thật tuyệt vời và cũng thật xót xa!

Dù đông người, dù đồng lòng sẵn sàng liều thân, nhưng thân dạng hai chiếc ghe quá bất cân xứng, như trứng chọi đá. Ở đây, kích thước tàu quan trọng hơn số lượng người trên tàu. Dù ghe của chúng tôi có thêm hàng trăm người đi nữa thì khi nó vỡ ra, tất cả đều chìm xuống biển. Trong số bảy mươi ba người của chúng tôi, có khoảng ba mươi là phụ nữ và mười lăm là trẻ em. Nếu không có phép lạ hay sự can thiệp kịp thời của bất kỳ thuyền bè nào đi qua, ai biết được bao nhiêu thuyền nhân của chúng ta sẽ sống sót?

Chiếc ghe đã chạy hết tốc lực từ hồi chiều!

Vói tay, nắm cần ga kéo tăng tốc độ. Dù đã biết, đã nhìn thấy vị trí tốc độ, nhưng tôi vẫn muốn kiểm lại để biết chắc chắn rằng máy đang chạy tốc độ tối đa. Chúng tôi cần phải chạy nhanh hơn, nhanh nhất có thể. Nhưng động cơ của chúng tôi không thể chạy nhanh hơn được nữa; nó đã đến mức giới hạn rồi; một sự thật đau đớn mà tôi không muốn đối mặt. Tôi cảm thấy như mình kiệt sức, tình thế cấp bách đang đè nặng lên ngực tôi. Cảm giác bất lực và tức tối nhấn chìm tôi. Tôi không biết mình phải làm gì để ghe chạy nhanh hơn, tới đất liền nơi có người có tàu cứu giúp hay trốn thoát chiếc tàu cướp đang truy đuổi theo phía sau mình...

Ngay từ giây phút đầu, tự biết thân phận yếu thế, chúng tôi đã giữ thái độ rất ôn hoà, vẫy tay chào thân thiện trước. Ai cũng biết và lo sợ; ghe nhỏ và không vũ khí mà bị tấn công thì sớm muộn gì ghe cũng bể nát. Những thuyền nhân sống sót sẽ phải hứng chịu trận đòn thù của bọn hải tặc và tôi sẽ là người đầu tiên nó tìm giết để trả thù và cướp tinh thần mọi người. Tôi biết, sức mình bây giờ không đủ để chạy thoát, nói gì đến đánh với đấm.Vì hai chữ tự do chúng tôi cố tìm đường để thoát khỏi vòng kìm kẹp của chế độ cộng sản. Chọn ra đi, là tìm sự sống trong cái chết; những người vượt biên, vượt biển đã chấp nhận tất cả mất mát, kể cả tính mạng.

Tôi oán hận chế độ cộng sản! Nó là nguyên nhân chính mà đồng bào phải bỏ nước mà ra đi...

Tôi ghê tởm hải tặc Thái Lan! Thái Lan là một dân tộc vốn nổi tiếng trên thế giới về tôn sùng đạo Phật; nhưng đối với thuyền nhân Việt Nam cô thế trên Biển Đông, các hải tặc Thái Lan lúc này cũng đã biến thành loài thú man rợ, là loài quỉ dữ khát máu và hung bạo…

Rồi tàu hải tặc cũng theo kịp!

Nó chạy thật sát, đầy khiêu khích và hăm dọa. Từng chập hụ máy làm cho tàu sàng mạnh ngang, tạo thành sóng lớn, nhồi lắc chiếc ghe nhỏ kế bên. Thật kinh hoàng, tôi vừa phải lo chạy cuỡi lên sóng biển vỗ tới, vừa phải giữ chiếc ghe trong những cuộn sóng đùa dập từ tàu Thái Lan.
Ngó sang thằng lái tàu, thấy nó cũng đang quay sang nhìn tôi. Cái gì đó bất chợt sôi sục trong dòng máu, uất ức tràn dâng.

Nóng bức!

Bực bội!

Tôi nhìn thằng hải tặc lái tàu, tay giữ cần lái, tay lột phăng cái áo, quăng mạnh xuống mui ghe, gần chân mình và đá cái áo tung lên. Ghe nghiêng lắc, cơn gió thốc cuốn cái áo bay vụt đi. Tội nghiệp cái áo của mình!

Tôi không biết tại sao mình phải làm như vậy!

Bực dọc như thế chỉ có mất cái áo của mình, cũng chẳng hề hấn gì đến thằng hải tặc; nó đang ngồi trong cái phòng lái của chiếc tàu to lớn và thật kiên cố.

Nhưng tôi biết rằng, tôi sẵn sàng… liều mạng!

. . .

Nắng và gió biển nóng hâm hấp trên làn da lưng để trần. Năm anh em nhìn nhau; trong nín lặng của uất nghẹn, ánh mắt đã cùng hứa hẹn đánh đến cùng, không để chúng cướp ghe hãm hại người Việt trên ghe mình…

Tàu Thái chạy cặp theo thật gần.

Tiếng động cơ gầm hú.

Hàng người nghênh chiến đứng trên khoang ghe chờ đợi.

Ghe chúng tôi lái bằng cái cần dài. Đứng trên mui điều khiển giống như chạy trong sông; nên rất nguy hiểm giữa biển khi sóng to, bão lớn; nó nặng tay và khó kềm giữ cần lái. Do cần lái xoay trực tiếp với bánh lái bên dưới; tuy mũi quay nghịch chiều với cần lái, nhưng đổi hướng rất nhanh.

Tàu chúng nó điều khiển bằng vòng quay tròn có gắn các đòn tay cầm. Điều khiển nhẹ nhàng và an toàn trong phòng lái. Lái tàu như lái xe, mũi tàu đổi hướng cùng chiều với tay lái. Vòng quay truyền chuyển động qua hệ thống bánh răng, dây xích và các ròng rọc để xoay bánh lái, nên cần quay nhiều vòng hơn để đổi hướng tay lái.

Tôi ngó chừng cử động của thằng lái tàu. Đột nhiên thấy hai tay nó quay vòng tay lái liên tục. Tôi la lớn báo động:

- Bên phải! Nó tấn công!

Như chúng tôi lo âu và chờ đợi.Tàu cướp quay nhanh mũi và hụ máy phóng ào ào để đâm vào hông ghe chúng tôi. Bị một trận đòn bầm dập và đổ máu, bọn cướp thay đổi chiến thuật, không dám cặp tàu để nhảy sang nữa. Chúng toan tính dùng tàu mà húc cho ghe tan tành trước, rồi mới tràn sang mà đánh cướp và hãm hiếp sau…

Cây đà mũi vuông cạnh cao ngất, chẻ sóng phóng ào ào tới. Cái chết ngay trước mắt. Khoảng cách quá gần, chớp mắt là nó chẻ chiếc ghe làm hai. Tránh không kịp cái húc này thì chiếc 3392 biến thành những mảnh ván vụn. Máy ghe đã hết tốc lực, không thể nào chạy nhanh hơn để tránh bị húc trúng. Tôi gấp rút ngồi thấp xuống, xoải một chân quỳ gối lên sàn mui để chồm người dài ra và cùng lúc hai tay xô cần lái thật nhanh sang phải. Bánh lái ghe hứng luồng nước bên trái. Áp lực làm sóng nổi dựng dậy, nước phía sau đuôi cuộn dậy ục đạp vào bánh lái, gặt mạnh cần lái. Tôi trườn lên quỳ gối hai cánh tay ghì giữ cần lái.

Mũi ghe quặt nhanh qua trái.

Chiếc ghe quẹo thật gấp, chao nghiêng.

Thoáng thấy như có người bên mé trái bị mất thăng bằng rớt xuống biển. Tôi không chắc lắm, nhưng không thời gian và cũng không thể quay nhìn ngược lại; và cũng không làm được gì khác hơn là phải tiếp tục cho ghe xoay nhanh, để né cái mũi tàu đang vùn vụt phóng tới sát kế bên…

Có tiếng la hốt hoảng:

- Chết thằng Hiến rồi... Nó rớt xuống biển!

Nghe vậy, Vũ tuột nhanh xuống khoang tìm phao.

Hiến đứng cạnh bên trái, té xuống ngay trong lúc ghe quanh sang cùng hướng.

Tôi nghe lạnh trên lưng! Hiến khó mà sống sót; lườn ghe đập trúng và tàu Thái bám sát theo chúng tôi nhận Hiến chìm xuống biển. Sóng ghe mình và tàu hải tặc cùng sóng biển đã xoáy cuốn Hiến mất tăm dạng ngay tức khắc.

Chúng tôi đã mất Hiến!

Một trong những thuyền nhân dũng cảm của chiếc ghe 3392; anh đã hy sinh đầu tiên. Vì hai chữ tự do, anh đã liều thân vượt trốn và can đảm đứng vào tuyến đầu, cùng chiến đấu bảo vệ chiếc ghe.

Vũ thảy hai cái phao xuống biển, cầu may.

Nhìn sóng biển.

Nhìn sang tàu Thái…

Cuộc chiến chỉ mới khởi đầu. Không ai còn tâm trí để tìm cứu hay kịp cầu nguyện trọn lời cho Hiến.

Trong lúc đó, bên hông phải, cái mũi ghe của tụi Thái vẫn ào ào bám theo.

Không thể làm gì khác hơn để cứu chiếc ghe khỏi bị vỡ nát, tôi phải tiếp tục giữ tay lái cho ghe quay vòng hẳn ra sau. Cái máy dầu cặn già nua phải chạy tốc độ cao kêu rú nghe thật thảm thiết. Cánh quạt đạp nước đẩy thân ghe quay thật nhanh ra sau.

Trong gang tấc, chiếc 3392 né thoát cái húc.

Tàu cướp lướt sát ngang hông ghe. Thật gần. Chừng cánh tay vươn ra.

Thừa cơ hội đó, nhóm đánh bom lập tức khai hoả và chọi chai xăng sang.

Lửa và khói từ bom xăng nối nhau tung vòng lên và rớt xuống. Chai bom nào may mắn chạm vào tàu hải tặc thì nổ bể ngay tức khắc, làm xăng trong chai văng tung tóe và bắt lửa từ miếng vải mồi mà phựt cháy trên be và trên sàn tàu cướp biển. Hải tặc Thái không ngờ bị chống trả bằng bom xăng. Chúng thật hốt hoảng khi thấy lửa bùng cháy nhiều chỗ trên tàu; túa ra, đứa rối rít dập lửa, đứa hối hả kéo vòi nước đến cứu chửa. Lửa tắt xong, từ ghe mình còn thấy màn khói trên tàu Thái, ai cũng vui mừng, thật hả hê. Nhìn cảnh tượng hải tặc xúm xít chữa cháy, anh em rất tự hào với chiến công. Tiếc là chai bom xăng không đủ lớn mạnh để gây thiệt hại đáng kể hơn.

Chưa hề có kinh nghiệm, trận đầu như thế thật tuyệt vời!

Nương theo chiều quay ra sau để né tránh, ghe tiếp tục chạy quanh tròn để lấy mũi trở lại và chạy thẳng vào hướng đèn đỏ…

Không thấy khói của động cơ từ tàu Thái!

Chắc tụi nó còn lo dọn dẹp miểng chai, chỗ mấy chai bom xăng từ ghe chúng tôi chọi trúng.

Nhưng, rõ ràng là bọn hải tặc không cần vội vã!

Trên mặt biển vắng lặng như thế này, không tàu thuyền nào khác cứu giúp; chúng tôi không thể nào chạy thoát khỏi bọn chúng.

Chiếc ghe giống như con cá đã móc dính vào câu. Nó đau đớn. Nó hoảng sợ mà bơi loanh quanh, mà cũng chẳng được bao xa; tàu Thái không cần phải gấp rút theo bắt.

Chúng chờ con cá kiệt sức!

Bọn hải tặc chờ đêm tối bao che cho tất cả những hành động tội lỗi đối với thuyền nhân trên ghe…

Thật vậy!

Chốc sau, hải tặc đã phóng tàu đuổi theo và tiếp tục dùng tàu mà húc ghe chúng tôi…

Cứ thế, khoảng hai mươi phút thì có một trận xáp chiến. Chiếc ghe khi bị húc thì quay vòng ra sau để tránh, đồng thời anh em quăng bom xăng sang để phá rối và trì hoãn bọn cướp.

Suốt hai giờ bị tấn công, chiếc 3392 vẫn may mắn tránh thoát và tiếp tục chạy tới…

Hơn hai tiếng đồng hồ, cái máy chạy hết tốc độ nhưng ánh đèn đỏ vẫn còn chớp xa ngoài xa!

Có phải nơi đó là bến bờ?!

Bến bờ tự do hãy còn xa vời quá!

(Kế tiếp: Chương 17 )

Bùi Đức Tính


 

 

 

 


Bùi Đức Tính

Tập Truyện Thuyền Đời

Chương 1 - Dòng sông quê hương - Audio
Chương 2 - Xuân quê hương - Audio
Chương 3 - Con thuyền - Audio
Chương 4 - Cuộc đời - Audio
Chương 5 - Đêm vẫn đen - Audio
Chương 6 - Chuyến đi cuối nămAudio
Chương 7 - Rồi Tết lại đến - Audio
Chương 8 - Còn thương quê hương tôi - Audio
Chương 9 - Nhớ cả trời Việt Nam - Audio
Chương 10 - Một lần đi - Audio
Chương 11 - Từ dòng sông này - Audio
Chương 12 - Nghìn trùng cách biệt - Audio
Chương 13 - Vượt thoát - Audio
Chương 14 - Biển đông - Audio
Chương 15 - Chiều đen - Audio
Chương 16 - Biển lửa - Audio
Chương 17 - Đêm trắng - Audio
Chương 18 - Lênh đênh - Audio
Chương 19 - Biển xanh - Audio
 


Passage to Freedom  
Đất nước tôi!
Còn nhớ mùa xuân  
Tết  
Hồi Ký Thuyền Đời của nhà văn Bùi Đức Tính  
Dòng sông quê hương - Dòng Cửu Long   
Ngày oan trái! - Audio
Đất nước tôi - Audio
Tiếng trống Mê Linh - Audio
Chuyện cuối năm - Audio
Màu áo cũ - Audio
Mang theo quê hương  Audio
Trong âm thầm còn nhớ ai! - Audio  
Sài Gòn là đây sao em! - Audio
Chuyện trăm năm - Trên quê hương - Audio
Chuyện trăm năm - Một ngày - Audio  
Trăm đắng nghìn cay - Audio
Chiếc áo Bà Ba - Audio
Giữa đồng xưa - Audio
Áo trắng - Audio
Gửi nơi cuối trời - Audio
Còn nhớ mùa xuân - Audio
Từ một chuyến đò - Audio
Dêm thánh vô cùng - Audio
Khi mùa đông về  - Audio
Noel năm nào - Audio
Khúc quân hành - Audio
Cho ngàn sau - Audio
Nghìn trùng xa cách  -  Audio
Rồi lá thay màu - Audio
Con chim biển 3 - Tìm về tổ ấm - Audio
Con chim biển 2 - Trên biển khơi - Audio  
Con chim biển 1 - Tung cánh chim - Audio
Đốt sách ! - Audio
Đi học  
Sài Gòn Audio
Thầy Chín - Audio
Đi buôn - Audio
Khi tôi về - Audio  
Làng tôi - Audio 
Sao em không đến - Audio  
Anh đi!  - Audio  
Vỉa hè đồng khởi Audio
Ngày đại tang  
Chuyện mất chuyện còn  
Con chim Hoàng Yến Audio 
Nhớ cả trời Việt Nam
Còn thương quê hương tôi
Tôi muốn mời em về
Chuyện Tết
Còn nhớ không em?
Trên đồi Tăng Nhơn Phú - Audio
Remember!
Cánh chim non - Audio
Đốt sách
Buổi tựu trường
Đêm trắng
Nước mắt trong cơn mưa   
Trăm đắng nghìn cay  
Con đường tôi về
Hãy còn đó niềm tin
Chiều ra biển  
Bước chân Việt Nam
Người lính già
Để nhớ
Đi buôn  
Ngày anh đi  
Rồi tết lại đến
Bài thánh ca buồn
Tears of pride  
We remember
Mùa hè đỏ lửa  
Có chuyến bay  
Lời ca
Để nhớ để quên
Cờ mình!
Khắc chữ Tự Do
Tết