Thuyền Đời Ơi!

-Kiến Hôi-

Hồi còn nhỏ, tôi đã biết cười với hoa vừa mới nở và tôi cũng đã biết buồn với lá, những cành sắp đổi thành vàng buổi đầu thu. Tôi cũng đã biết mừng khi mẹ đi chợ về có bánh cho tôi. Và tôi cũng đã biết lo khi mà cuối tháng cầm học bạ về cho cha xem.

Anh Hai tôi thì cứ hay cú đầu tôi, "mầy học ngu hơn con gái"

Cha thì, "thằng nhóc nầy diễn xuất thật hay" chả là vì tôi cứ đấm lưng cho ông và nắn nót cái bả vai mỏi mệt của ông mỗi lần tôi trình học bạ. Tôi cứ nghĩ làm sao cho ông thoải mái chút thì có lẽ ông không cần phải la Trời tiếng rõ to. Nhưng nhiều lần lắm, ông vẫn la Trời ơi thật lớn khiến tôi sợ hãi phải chạy lủi ra ngoài sân.

Thời thơ ấu của tôi đó. Thời thơ ấu của tôi có ...

Con nhỏ nó tên Mê, nhà gần bên trong xóm vẫn luôn hay dặn tôi rằng:

- Khi ấy lớn lên thì đừng đi đánh lộn nữa nha? Ấy cứ thây kệ nó mà.

Sở dĩ nhỏ Mê hay lên mặt dặn dò tôi là vì buổi đó thằng Khương ký lên đầu nó nghe một cái cụp. Thằng Khương bự con nhất đám và cũng là hung hăng nhất hạng, dù nó không có xâm mình nhưng cái vết thẹo vắt ngang sau lưng vì leo cây té xuống hàng rào kẽm gai cũng đủ làm cho đám nhóc tụi tôi phải e dè.

Tuy nhiên bữa đó, bữa mà nó ký đầu con Mê đã không biết vì sao mà làm cho tôi xung lên máu nóng. Tôi nhào tới sừng sộ thì bị ăn ngay một quả đấm của nó, tá hỏa tam tinh tôi định khóc nhưng chợt thấy ánh mắt hoảng hốt của con Mê, tôi đanh mặt lại làm liều, với nắm được tay thằng Khương, tôi giằng mạnh một cái, nó mất thăng bằng, tôi dùng chân chận ngang đầu gối. Nó té xuống nghe cái xụp, máu lỗ mũi nó chảy ra.
Đám con nít, kể cả con Mê cùng thét lên: "Có người chết! Có người chết!"
Tôi sảng hồn, co giò tôi chạy.
Thằng Khương cũng sảng hồn, cũng co giò chạy, tay bụm mũi, máu chảy dài.

Kể từ đó, kể từ khi tôi bung ra một đòn nhu đạo nhẹ nhàng làm xịt máu mũi của thằng Khương thì đám con nít đặt cho tôi một biệt danh: Dê Mặt Xanh. Vì khi giận, mặt tôi biến thành xanh lè và hễ khi nào mặt tôi biến thành xanh thì thể nào cũng có mặt một đứa nào đó biến thành đỏ. Đỏ của cái lỗ mũi ăn trầu.

Mà phải xin nói rõ hơn là những đứa đó đều là con trai và đều to con hơn tôi, chứ đời nào tôi nỡ lòng đánh con gái? Hay nỡ lòng đánh mấy đứa nhỏ con, nhỏ tuổi hơn?
Vì vậy bỗng dưng tôi trở thành anh hùng. Bỗng dưng mấy đứa con gái ngưỡng mộ tôi. Bỗng dưng tôi có khế chua với me ngào ăn dài dài.

- "Anh Dê Xanh ơi, anh Dê Xanh! Anh đi rước lồng đèn với tụi em nghe?" Tiếng con Mê nằn nì.

Bởi là vì tụi thằng Khương và Khảnh và Khừng cứ núp trong góc với cọng dây thung và đống bì cứng bắn lủng lồng đèn đêm Trung Thu của mấy đứa con nít hoài. Nhưng hễ chỗ nào có Dê thì chỗ đó bình yên như vại, nên Mê mới rũ Dê cùng đi bên cạnh, bên cạnh khoảng thời gian cuộc đời của con nít.

Đến khi lớn lên, đến khi những đứa bé của con hẽm nhỏ số 175 đường Da Bà Bầu biết thoa son và vẽ mắt, biết mặc áo sơ mi trắng bỏ trong quần xanh và rẽ tóc đường ngôi bốn sáu thì Mê không còn rũ Dê đi bên cạnh nữa, mà chính Dê bao giờ cũng vẫn tình nguyện đi bên cạnh Mê như là một thói quen không thể nào bỏ được vì đã khắc sâu từ ở thuở còn thơ.

Và cuộc đời cứ không thể, ấy thôi kệ nó mà.

Cuộc đời đưa tôi vào vòng chinh chiến lớn, đưa tôi vào cuộc đánh lộn dữ dằn không phải chỉ cần một thế võ Judo mà là cần lắm nhiều lựu đạn với xe tăng.

Sau hai tiếng Trời Ơi thật lớn của ba tôi và ba thằng Khương thì hai đứa tụi tôi khăn gói lên phi cơ quân sự C130 bay thẳng ra Nha Trang thụ huấn khóa Hạ Sĩ Quan ở quân trường Đồng Đế.
Quân trường mà nhìn thẳng qua bên kia có "Anh đứng nghìn năm thao diễn nghỉ, em nằm xỏa tóc đợi chờ anh".
Quân trường của những anh rớt tú tài anh đi Trung Sĩ, em ở nhà vá áo đợi chờ anh. Bao giờ xong nợ nước non, anh về, áo đó, còn em đâu rồi?

Những tháng dài ở Nha Trang gió lộng và biển gầm gừ đã ràng chặt tình bạn Dê, Khương vào thành một gút. Gút của những tuổi trẻ, thôi giã từ ngày tháng rong chơi, ghìm trước mặt những kẻ manh nha và nhìn sau lưng những thằng đâm lén.

Tuổi trẻ vào đời, đời nhọc nhằn gớm giếc.
Tuổi trẻ về Bình Long, hai Trung Sĩ trẻ mang hai Cánh Gà mới toanh cùng về chung đơn vị, những tưởng sẽ có những cánh rừng cao su bạt ngàn và người xinh trắng như lụa mộng.
Nhưng năm đó lại là năm 1972,
Bình Long có mùa Hè rực những lửa.
Lửa của mặt trời và lửa của cà nông.
Và cùng cơn địa chấn. Những tiếng rầm rì nghiến nát.
Những khối sắt nặng nề của chiến xa tràn ngập bể dập thân cao su mủ chảy, những chiến xa cầy lên hẳn hình hài Việt Nam. Cầy lên hai tuổi trẻ kinh hoàng hoảng hốt.

Thằng Khương gọi tôi giật giọng:

- Mầy nhào lên dứt một cái 72 cho nó coi?

Mặt tôi xanh như tàu lá, cái nón sắt đã rớt mất từ đời nào, chắc từ cái lúc mà chiếc T54 gầm gừ rượt theo hai đứa từ giao thông hào này qua giao thông hào khác.
Tôi lúng túng với cây M72, giương nó ra như thế nào đây? Tôi đã quên bài học vũ khí trong quân trường. Mà thật ra lúc thực tập thì lại chính ông Hạ Sĩ phụ tá Sĩ Quan huấn luyện viên bắn chứ tôi nào được rờ vô?

- "Mầy như con ...kẹ ông". Thằng Khương chửi tôi như thế, nhưng chính nó, nó cũng loay hoay với cây hỏa tiển đang cầm trên tay. Hai đứa ngồi dựa vào vách đất khô cằn của hố đại bác pháo kích mới hồi hôm sáng. Tôi đọc tấm hình chỉ dẫn in ngay trên khẩu hỏa tiển M72, à, thì ra thế, giản dị chỉ có kéo dây, giương lên và bóp cò vậy thôi. Thằng Khương mặt cũng sáng ra. "Mầy cũng như con ...kẹ tao thôi Khương à" Tôi sủa ngược lại nó. Hai thằng nhìn nhau cười một cái.

"Oành! Oành!" Hai tiếng nổ long trời, con cua T54 lãnh đủ. Sức dội làm tụi tôi rát mặt đến bật ngữa người ra sau. Chiếc T54 đỏ ửng lên, khựng lại rồi xìu xuống.
"Banh càng rồi! Banh càng rồi" Tôi mừng quá hét lên! Thằng Khương cũng cười ha hả.

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, vẫn còn nhiều T54 lồng lộn trong thành phố. Tụi tôi, những toán diệt chiến xa lểnh khểnh mang trên vai nhiều M72 đi làm pháo bông rực đỏ giang sơn.

Ba tháng dài như vậy, ba tháng ăn đạn pháo hằng ngày, ba tháng trồi lên lùng diệt chiến xa, ba tháng dưới giao thông hào chỉa súng chống lại từng đợt tấn công, tôi như bít bùng mọi cảm giác, không còn sợ nữa, không còn lo nữa, không còn cha nữa, không còn mẹ nữa. Tôi chỉ còn mê sảng với những phản ứng tự nhiên, hễ thấy bóng người xung phong định tràn ngập thì tôi chỉa súng bắn, hễ nghe tiếng chiến xa rần rộ thì tôi bật dậy với khẩu 72, hễ nghe tiếng rít gió của đại pháo thì tôi rúm người lại trong hố.

Nhưng đến một bữa kia thì mọi cảm giác lại về tràn ngập trong tôi, đó là bữa mà cái hố của thằng Khương bị lãnh nguyên một quả đại pháo.
Mọi lần thì tôi và nó cùng nằm chung một chỗ, ăn cũng dưới hố, ngủ cũng dưới hố, đi tiêu đi tiểu cũng hố đó, quẹo đầu mà ngủ cũng cùng một hố, vì vậy mà mùi nồng của mọi các cái đã bắt đầu tấn công vào khứu giác, hơn nữa trận chiến đã bắt đầu dịu đi, quân Nhảy Dù đã bắt tay được với quân tử thủ nên thằng Khương sanh tật đòi dời qua hố khác. Tôi có nói với nó:

- Mầy với tao nằm đây từ ngày đầu đến giờ, chẳng bị ăn một quả pháo nào, vậy hố này là hố thiêng, hố đã được ếm bùa hộ mạng, sống chết gì mình cũng trụ tại đây.

Nó cứ cười ngất mà chê là tôi ở dơ. Nó dời qua bên hố kế chỉ cách có 2 tầm nhảy xa. Không ngờ đại pháo chọn ngay hố nó mà rơi. Tôi chồm qua thì chỉ thấy mảnh lưng có dấu thẹo quào của sợi dây kẽm gai ngày xưa.
Tôi khóc lên.
Mọi cảm giác buồn thương mến sợ bỗng chợt tràn về.

Và cuộc chiến Bình Long vang dội trên những nẻo đường đất nước ở miền Nam cũng tàn dần theo những đổ nát khắp thị trấn. Sức của những người còn sống chợt vươn lên, như ta thấy tự nhiên ở tận cùng đau khổ vẫn còn lóe lên chút niềm hy vọng. Có những bông hoa lạ kỳ luôn tồn tại với thời gian biến đổi, người xưa đặt tên hoa là Huyền Diệu Muôn Phần. Những hoa này thật là khó thấy, người ta chỉ có cảm giác được mà thôi.

Lệnh từ ông Thiệu, Tổng Thống Thiệu đưa xuống, tất cả quân nhân tham dự trận Bình Long đều được tăng thêm một cấp, như vậy lần đầu tiên trong quân sử thế giới có một chiến trường không có binh nhì. Ai cũng có cái niềm hãnh diện để mang trên vai. Riêng tôi thì ông định thăng cho tôi nhiều cấp một lần một vì tôi cũng bị một mảnh đại bác chui ngay vào mông bên phải mà ông bác sĩ quân y lại cho đó chỉ là vết gà mổ. Tôi cũng thầm mong là ông bác sĩ bị ít vết gà mổ ở mông coi coi có ngồi ăn cơm thoải mái yên lành hay không?
Dù gì đi nữa thì phần thưởng quý báu ngon lành vẫn là một tháng dưỡng thương cùng 14 ngày phép thưởng.
Nhấp nhổm ngồi một bên mông, tôi lên xe đò về Sài Gòn.

Sài Gòn ơi,

Ớ kìa, con hẽm thương của tôi, con hẽm 175 đường Da Bà Bầu có hai hàng bông gòn bay trắng xóa. Tôi mới xa nhà chưa đủ để nhớ nhưng khi vừa về lại thì bỗng thấy mình thật cần.
Đám nhỏ thay thế đám nhỏ ngày xưa của tụi tôi đổ ra reo hò:

- Anh Dê, anh Dê mới dề

- Anh Dê mặt ngầu, tóc dài thòng

Vang vang trong đám có đứa ngâm lên Bình Long anh dũng, An Lộc kiêu hùng.

Tự nhiên tướng tôi đi bỗng đổi khác, ngực tôi tự nhiên phồng lên, tôi vui sướng làm người về từ miền rực nóng, về với hình hài nguyên vẹn dù sao cũng là một vui thích hơn là phải có người khiêng về.
Mẹ tôi thì khỏi nói, bà khóc một cái òa. Điều đó làm nước mắt tôi cũng chảy ra tràn trề, tại bà làm tôi khóc chứ đám con gái có cả con Mê đang chăm chú nhìn tôi kìa. Ba tôi thì đôi con mắt đỏ hoe, ông gật gật cái đầu, đôi bả vai ông hình như hơi vươn lên như hai bả vai của tôi. Ông cười, trong nụ cười của ông có dấu hiệu của nỗi lo vừa mới bay tan và đồng thời nỗi lo đó sẽ kéo lại ngay tức thì.

Cuộc chiến vẫn còn mà.
Cuộc chìến vẫn còn tiếp diễn ở mảnh đất miền Nam.
Phải chi miền Bắc ngừng lại vào thời điểm đó thì đâu còn những ánh mắt lo âu nữa?
Phải chi miền Bắc đừng làm chuyện bậy bạ Giải Phóng thì bên nhà thằng Khương đâu đã treo ảnh của nó trên bàn thờ nhang khói khi mà nó hãy còn trẻ măng?

Những giấc ngủ ngoài chiến trường thường thì là những giấc chập choạng. Về lại được mái nhà thân thương thì không hiểu tại sao những giấc ngủ của tôi có quá nhiều những mộng lành.
Tất cả tiếng động ồn ào chói tai của bom đạn được thay bằng lời âu yếm dịu dàng của mẹ tôi. Cha tôi thì vẫn còn Trời Ơi như những lần coi qua học bạ, tuy nhiên nó lại không có cái âm của một tán thán tự giận dữ hay là một sự thất vọng, mà tiếng Trời Ơi của ông nghe như lời cầu gọi Thượng Đế hãy giúp đở cho tôi sự sáng láng lúc còn đi học và những yên lành khi đã vào đời.

Tôi bao giờ cũng vẫn ngàn lần cảm ơn hai đấng sanh thành của tôi đã nhẫn nại với thứ hạng học hành của tôi cũng như con đường thi cử.
Còn đối với anh tôi thì tôi không bao giờ cảm ơn hắn được một lần. Hắn lúc sinh ra, nghe kể lại thì lúc ăn thôi nôi hắn chọn lấy cây viết dù bao nhiêu là đồ chơi rực rỡ sắc màu để cạnh bên, cho nên lúc lớn lên cắp sách đến trường hắn học giỏi lắm, được nhà trường khen thưởng loạn cả lên, thậm chí có một hôm hắn nói với mẹ tôi rằng: "Má biết hông? Hai chục điểm là ngon lắm rồi, vậy mà có ông thầy kia muốn cho con 21 điểm lận!"

Tôi thì cũng có điểm vậy, mười hai mười ba trên hai mươi, ít nhất bài làm của tôi cũng trúng được phần nào chứ không phải như đám bạn của tôi, có thằng còn nợ lại ông thầy nữa kìa.

Và vì cái mặc cảm đi bên cạnh người học giỏi nên khi anh tôi định hy sinh một ngày học ở trường Y Khoa để chở tôi lên Tổng Y Viện Cộng Hòa cho mấy ông bác sĩ khám cái đít thì tôi nhẹ nhàng nhưng cương quyết không chấp thuận, vì dù sao Mê cũng đã hứa sẽ đưa tôi đi mà?

Hôm qua tôi có nói chuyện với Mê:

- Nhà Dê ai cũng bận, Dê bị vết thương hành muốn té xỉu. Chẳng hay Mê có biết đường xe buýt lên Cộng Hòa?

Mê chớp mắt:

- Anh bị thuơng ở đâu? Thấy tay chân mặt mày lành lặn mà?

Không lẽ nói bị thương ở mông? Ai mà nói vậy với con gái bao giờ? Kỳ lắm!

- Dê bị ở ...bụng

Mê hoảng hốt. Ánh mắt hốt hoảng của nàng làm tôi nhớ ngàn đời. Nếu kiếp sau có đi lính, tôi cũng xin được bị thương đâu đó nhè nhẹ, để tôi được nhìn ánh mắt hốt hoảng của em.

- Mê chở Dê đi cho!

Ới đất trời ơi! Xin đừng sập xuống ở giây phút này.

Mộng lành tôi đến bù đắp cho những ngày mộng dữ. Xin ngày mai trời cứ mưa cho nước ươm ấp tình nồng.
Mà nếu cho dù hôm nay trời có sập xuống tôi cũng vẫn cảm thấy vui vì hình như Mê cũng đã dành cho tôi tình cảm đầu đời.
Hay là nếu trời không mưa mà có nắng ráo thì Dê nầy cũng thỏa được lòng, nắng cho em tươi một nụ hồng thì trông cũng đẹp.

Trên chiếc PC, tôi đèo Mê tìm đường lên trời, nàng mặc áo dài trắng nữ sinh cán sự điều dưỡng, tôi mặc áo trận ủi hồ phẳng phiu, lon Trung Sĩ Nhất nằm dài trên cánh tay trái, đôi bốt đờ sô tôi bóng loáng sáp đèn cầy. Đám nhỏ hàng xóm nói coi anh Dê phong độ như Thiếu Tướng. Ừ ừ...thế nào tôi cũng lên tướng, tướng trong lòng của Mê.

Và khi ra đến đường thì tôi để ý có mấy thằng cũng chạy xe Honda dòm dòm Mê mà thiếu điều xém nữa đụng vô gốc cây dầu trồng dọc hai bên đường Nguyễn Văn Thoại chỗ trường đua Phú Thọ.

Gió thổi vì vèo.
Có vài cành lá lả lơi, có cuộc tình vừa chớm. Đường đi có vai mềm của thiếu nữ chạm nhẹ vào vai tôi. Có ngất ngây cuộc đời.

Mê hỏi:

- Nếu mình cứ chạy thẳng hoài con đường này thì sẽ tới đâu?

Tôi ngây ngốc trả lời, sẽ tới ngả tư đèn xanh đèn đỏ. Tôi chưa đủ khôn để hiểu rằng, "anh ơi ta đi bên nhau đến suốt cuộc đời nha anh?"

Con gái, họ có nhiều ý tưởng trong một lời bình thường lắm. Tôi thì cứ hiểu bình thường như lời họ nói, nên đôi khi cứ ọc rơ hoài!

Đến cổng bệnh viện thì Mê thở dài. Tôi tưởng Mê mệt. Tôi đâu biết rằng, con gái họ lo rất xa, Mê tiếc rẽ con đường đi sao quá ngắn? Mê lo ngại đường về chẳng được dài hơn? Tôi làm sao biết được đằng sau tiếng thở dài ấy là cả một trời triết lý lo xa của người đàn bà?
Tuy nhiên thấy Mê thở dài thì tôi nghĩ mình cũng nên thở dài một cái để biểu lộ đồng tình dù tôi chẳng biết đồng tình cái gì?
Tôi bèn đánh ...thượt.
Mê nhìn tôi lắc đầu.

Bẽn lẽn tôi đi vào phòng khám bệnh.

Phòng Khám Bệnh

Vô gặp ông Trung Úy Quân Y Sĩ thì ổng trợn mắt nhìn tôi vẻ vô cùng ngạc nhiên:

- Trời có chút xíu vầy vô đây làm chi?

- Chút xíu chứ đau thấy mồ tổ Trung Úy à! Ông không nhớ hồi nhỏ mình bị đòn cứ ngay mông mà quất sao? Nhảy nhổm chứ chẳng chơi?

Ông cười cười, ừ thì cũng đau, mà cậu bị đòn hoài hay sao mà rành vậy?

Cha nội này lại muốn đi vào đời tư của tôi nữa rồi. Ba má thương tôi như trứng mỏng không hề quẹt một phát vào mông. Cho dù tôi học có dở thiệt nhưng những mục khác của tôi lại có giá vô cùng. Thí dụ như tôi đấm lưng và nhổ tóc bạc cho cha tôi khi ông đang mê mê giấc ngủ trưa, thí dụ như tôi gảy đàn ca cho mẹ tôi nghe bản lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào. Nhiều thí dụ lắm, làm sao kể ra được hết những 18 năm cùng một mái nhà?

Ông Trung Úy quẹt quẹt cho tôi vài miếng thuốc đỏ. Trời, Chiến Thương Bội Tinh của tôi mà chỉ có ngần này hay sao? Ít nhất cũng phải băng bột chứ?
Và rồi ông ngạc nhiên khi thấy tôi mang lon Trung Sĩ Nhất mà mặt còn trẻ măng, thường thì trong quân đội, những Trung Sĩ Nhất là những gương mặt dầy dạn gió sương bụi đường cát trắng phủ đầy. Còn gương mặt của Chuẩn Úy mới là trẻ.

Tôi hãnh diện bỏ nhỏ cho ông biết tôi về từ cõi chết, cõi Bình Long hoang tàn.
Ông lại làm tôi ngạc nhiên khi ông hỏi Bình Long ở đâu? Á, chắc có lẽ miền Nam có nhiều địa danh hoang tàn quá nên người ta không còn nhớ đến nơi nào hoang tàn hơn?
Thật là lãnh tụ miền Bắc đã biến đồng bằng sông núi miền Nam thành vùng bất ổn ngập tràn những trận lụt nước mắt khóc người thân.

Tôi không thèm nói chuyện với ông bác sĩ nữa vì ông không cùng nằm chung một chiến hào với tôi. Ông ở mút chỉ ngoài sau.
Tôi thèm nói chuyện với Mê.

Trên đường bước ra cổng, có anh binh nhì Quân Y kia đưa tay lên chào lon Trung Sĩ Nhất của tôi, tôi chào trả lại, lòng hân hoan ừ ừ ít nhất tôi cũng còn hiện diện trong quân đội.

Mê hỏi:

- Nặng không Dê?

Tôi giả vờ mặt rầu rầu:

- Chắc là phải mổ

Mê rú lên, Trời ơi!
Tôi khoái chí vì hình như Mê lo lắng cho tôi nhiều lắm. Làm sao trên đời này có được một người lo cho mình thì có phải đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời?
Tuy nhiên tôi cũng phải trấn an nàng:

- Thiệt ra thì ông có quẹt cho thuốc đỏ và hình như các ông ấy còn phải họp nhau để bàn là có nên mổ hay không? Nhưng Dê thấy khỏe lắm rồi. À mà bây giờ mình đi đâu đây? Đi uống sinh tố há?

Mê nhỏ nhẹ:

- Tùy anh

Mê ơi, nếu cuộc đời của em cứ tùy anh thì có lẽ đến một lúc nào đó em sẽ rách bươm ra. Tương lai của anh chắc chắn là những chuỗi ngày ...thôi không dám nghĩ tới nữa.

- Mê ơi, sau uống sinh tố xong rồi, mình ra Đại Nam coi phim Mùa Hè Năm Ấy nha?

- Dạ!

Mùa Hè Năm Ấy

Mà ngày ấy Mê cho tôi hôn lên má nụ nồng nàn. Tôi thề với Mê, chỉ có một mình em thôi đủ làm tôi vui sướng. Mê thề với tôi, chỉ một mình Dê thôi khiến em hạnh phúc ngập tràn.
Vậy mà hôm nay, nơi đây, trên đảo Guam, tôi lưỡng lự có nên về lại nước Việt Nam có Mê và có cha mẹ với anh tôi?

Ngày hôm di tản chiến thuật xuống chiến hạm, tôi cứ tưởng là quân đội sẽ tái phối trí lại và lập những khu tử thủ như xưa kia ở Bình Long ở An Lộc, ở Khe Sanh.
Tôi không ngờ tôi phải rời khỏi nước Việt Nam.

Ngày mai, chiếc tàu Việt Nam Thương Tín sẽ nhổ neo về lại Việt Nam. Chính phủ Mỹ giành quyền quyết định cho từng cá nhân một, ai về thì sẽ được chu cấp cho một số ít vận dụng cần thiết.
Tôi suy nghĩ miên man, có nên về hay không?

Có những người biểu đừng về vì Việt Cộng rất tàn ác, sẽ thủ tiêu và giam nhốt tất cả các quân nhân.
Những người Bắc tản cư từ năm 1954 đã đưa họ ra làm một ví dụ hùng hồn vì sao họ đã bỏ miền Bắc Cộng Sản để chạy vào trong Nam. Có cụ gào lên: "Giời ơi! Mầy cứ rượt theo ông mãi!"

Có những người chưa đã chuẩn bị tinh thần để làm một chuyến đi xa rời tổ quốc, gia đình, nơi chôn nhau cắt rún. Họ muốn về, họ hy vọng rằng dù dưới chế độ nào, dù ai là Tổng Thống, cũng phải lo cho dân. Ông người Bắc gầm lên: "Chú ...nhầm!" Xém chút đã có đánh lộn nhau.

Tháng 9, 1975, chiếc tàu Việt Nam Thương Tín hụ hồi còi dài rời bến trực chỉ Việt Nam. Cả hơn ngàn người lòng ngổn ngang trăm mối. Ngong ngóng, chờ đợi lo âu. Không còn chắc là quyết định mình có đúng?
Trên bong tàu gió lộng. Tôi thầm thì:

- Mê ơi, anh về lại bên em. Cha ơi, mẹ ơi, anh ơi, con về.

Sau 2 tuần lễ lênh đênh trên biển thì tàu về đến Cấp, nhưng không được phép cập bến mà phải thả neo ngoài khơi. Từ xa nhìn vào bờ biển Vũng Tàu đã thấy một màu tang trắng. Mọi người bắt đầu hoang mang và hối hận. Nhiều người đổ bệnh vì thể xác và tinh thần đều suy nhược. Ba ngày chờ đợi để được xuống đất liền như 3 thế kỷ nặng nề trôi.

Tôi nhìn lên trời thấy vạn vì sao. Những sao về phương Tây sao rực sáng, những sao về phương Đông quê hương tôi sao tối mù mù. Trong những sao tối mù ấy, tôi nhận ra sao bổn mạng của tôi.Tôi muốn mời sao xuống kể lể chuyện ngày xưa, nhưng sao sao cứ lặng lờ
Tôi chợt nhận thức rằng, có những sự việc phải quyết định không bằng trái tim mà phải bằng lý trí.

Rồi thì sau cùng tàu bị áp giải ra Nha Trang. Đàn bà con nít được thả về, đàn ông con trai bị nhốt ráo.
Mùa hè năm ấy mà tôi tưởng là mùa hè đoàn tụ. Nhưng không, mùa hè năm ấy, mùa hè báo hiệu của chia ly.

Có những mùa hè đẹp đẽ đong đầy kỷ niệm trong từng tâm khảm của từng người, như Mùa Hè 1942 của Herman Raucher, kể lại chuyện những cồn cát đợi chờ, người thiếu phụ trẻ bên song đang trông ngóng bước chân chồng nơi xa, căn nhà bên đồi cạnh bờ biển cô đơn và cơn cuồng vội vì nhớ nhung. Đã đưa Mê và Dê cùng các bạn chòm xóm, GócTrời Paris, Berlin với Nokian92 và Vann cùng NvhN, có Nắng và Buồn, cùng July đã ngây ngất với kỷ niệm êm đềm lần ngơ ngác đầu đời của ông.

Tụi tôi dù có cúp cua trốn học đi xi nê hay ôm vở thả rong trong Sở Thú Sài Gòn thì cũng chỉ làm giàu cho kỷ niệm của những ngày thân ái xưa. Thế mà cha tôi vẫn Trời ơi khi biết tôi đang làm giàu cho kỷ niệm của tôi, và nếu tôi có con thì chắc tôi cũng Trời ơi khi biết rằng nó cũng đang sưu tầm để cho kỷ niệm của nó được giàu hơn. Nôm na ra là tui phét vào đít nó vài ngọn roi khi mà biết rằng nó cúp cua đi cine với đào. Giản dị và quyết định là vậy. Ơ mà, cha tôi đâu có đánh tôi roi nào?

Và mùa Hè 75, cũng có cồn cát Nha Trang, cũng có biển rì rào, cũng có nhớ nhung ngập đầy nhưng khác cái là tôi bị nhốt trong tù. Tội của tôi ư? Tội vì thương nhớ và quyến luyến gia đình cùng người tình thân mến.

Mỗi người có mỗi mùa Hè khác nhau.
Herman Raucher sống trong xứ bình yên.
Tôi, Dê Xanh, sống trong xứ không yên bình.

Và rồi, sang Mùa Hè Năm Sau

Mùa Hè Năm Sau

Tôi được thả về, gặp lại cha mẹ và anh tôi và gặp lại Mê.

Chỉ 2 mùa hè thôi, cảnh đã thay đổi đến rợn người. Thay vì đèo nhau trên chiếc PC chỉ rồ ga thì chạy, nay tôi phải nhổm mông đạp những vòng bánh xe tròn quay lăn trên phố những ổ gà, may mà cái mông tôi đã lành lặn nhờ thuốc đỏ của ông Trung Úy.
Tôi vẫn mặc cái áo trây di của quân đội, chỉ có cái Cánh Gà mà hồi nào quân đội đã giao cho tôi trong sứ mạng giữ gìn đất nước cũng như những huy hiệu của đơn vị đã bị Mê tháo ra.

Mê nói: "Đất nước không còn, Dê làm sao mà còn mang được những biểu tượng này trên thân?" Tôi nghe qua, quả luống là những nghẹn ngào. Đúng vậy, nhiệm vụ của tôi là giữ gìn đất nước. Tôi giữ làm sao mà giờ thì mất hẳn nước, làm sao tôi dám mang trên vai lon Trung Sĩ Nhất như ngày xưa?

Những con đường bây giờ tôi chở Mê trên vòng bánh xe đạp chính là những con đường mà trước kia Mê và tôi hằng đi qua.
Tiệm bán cơm tấm ở Trần Quý Cáp có nước mắm thật dịu và cơm thật nóng với chả thật ngon nay đã đóng cửa im lìm, quán kem ở Lê Lợi ở Lê Lai không còn là quán kem nữa với mùi sầu riêng thơm lừng mà nay chỉ còn lại là một vũng nước đọng thật to, hình như sau cuộc đổi đời, kem cũng tan chảy vào quá khứ.

Gò lưng tôi đưa Mê xuống ngã Sáu ăn nghêu. Nghêu đâu tôi không thấy mà chỉ thấy một phố thị vắng tanh.
Những kỷ niệm nhẹ nhàng, những nơi chốn thần kỳ tôi và Mê đi qua, giờ thì thật tình không còn tìm ra được nữa.

Hai đứa tôi định ghé qua Casino Sài Gòn hy vọng tìm ra một vài phim hay để giải sầu như phim Một Chút Mặt Trời Trong Ly Nước Lạnh mà chỉ còn thấy ly nước lạnh tanh chứ không có chút mặt trời nào đâu nữa.

À, rạp đang chiếu phim Thép Đã Tôi Thế Đấy, phim Liên Xô tức là xô nhau liên tục. Nhớ hồi xưa đi coi cine phải xô nhau mà mua vé thiếu điều muốn cắn nhau. Nay phim Liên Xô không còn xô nhau nữa mà cứ đánh thức cô bán vé ngủ gà gật mua vé một cách dễ dàng.
Phim bật lên chiếu một đoạn, tôi và Mê xô nhau chạy ra ngoài.

Tôi và Mê xô nhau làm đám cưới.
Hãy tìm những an ủi cho nhau chứ đời này sao mà hồi hộp quá, như cái loa ngày nào cũng hăm dọa Tao sẽ giết chúng mày. Tao sẽ giết chúng mày. Bằng cách nhai hoài một bài dài thòng buồn nôn về những nhận định chính trị của các đồng chí đồng rận đồng rệp. Cứ những điệp khúc nhàm chán nhét hoài vào lỗ tai như quê hương tôiđang hồi mạt rệp cứ ra rã hàng ngày thì chẳng chóng thì chầy người nghe sẽ phải tới thời kỳ long óc.

Tôi và Mê cưới nhau. Tôi không còn là Trung Sĩ Nhất nữa mà tôi được thăng cấp Tướng, như đám nhóc Da Bà Bầu đã tiên đoán hồi xưa, tướng trong lòng của Mê, tướng chịu quyền ...sinh sát của Mê.
Tôi chấp nhận vậy!

Không biết quyết định lần này của tôi có dại khờ như kỳ quyết định ở đảo Guam hay không?
Nhưng dù gì tôi cũng đã quyết định.
Và Mê cũng đã chấp nhận và cha mẹ hai bên cũng đã đồng lòng.
Đám cưới tụi tôi, đám cưới trong đường hẻm.
Ba tôi lấy cái nia, dán tròn mảnh giấy trắng vẽ chữ đỏ hồng:

Tân Hôn Trong Ngõ Hẻm

Mẹ tôi có một số tiền nhiều hơn số ấn định của nhà nước nên bị buộc phải đưa cho nhà nước quản lý giùm. Nay muốn rút ra vì lý do chính đáng, lo việc cưới vợ cho con, nhưng cái ông Lập, Phường Trưởng nói giọng miền Nam: "Dì mà chị gút nhiều dậy? Đồng bào ta còn nghèo, đất nước ta còn chưa xây dựng, chị sao mà xài phung phí?"
Mẹ tôi trả lời:

-Ông thấy với vật giá bây giờ, chỉ đủ mua ít rượu thịt, ít trái cây đãi bà con lối xóm thôi!

Nếu tôi đem chuyện nhà nước ép dân phải đưa tiền cho nhà nước giam giữ và kỳ kèo khi dân cần rút ra cho người ngoại quốc nghe thì chắc có lẽ họ sẽ cho là tôi vu khống và mạ lỵ nhà cầm quyền với nhiều đỉnh cao nhòng trí tuệ. Thôi thì hãy cứ lặng thinh mà tưởng tượng rằng, nước Việt Nam cũng được cai trị bởi những con người cũng cùng đi bằng hai bàn chân vậy!

Đám cưới, bàn đặt dài trong hẻm, mỗi người phải tự mang đến chén dĩa cùng ly và ...ghế. Cha nào không mang theo ghế thì ráng mà đứng.
Đàng trai đàng gái hùn tiền mua thức ăn có heo quay bánh hỏi cùng rượu đế. Quan khách hoan hỉ chén chú chén tui cũng rộn ràng lắm. Thời buồn bã gặp tiệc nhậu còn gì vui bằng?
Cha tôi phải năn nỉ ông Phường Trưởng tắt cái loa đi cho có vẻ là tiệc cưới chứ không phải là buổi học tập chính trị.

Tôi nghe có tiếng thì thầm:

-Vậy là con Mê không phải lấy chồng thương phế binh Việt Cộng rồi!

Lời đồn hoảng hồn này đã khiến bao cô gái xuân thì miền Nam vội vã đi lấy chồng...đại. Tôi nghĩ lời đồn này chắc từ mấy cha bợm nhậu mà ra chứ nhà nước ta nói một là một như đinh đóng cột: "Vì hạnh phúc của toàn dân, đảng ta mần cuộc cách mạng vĩ đại"
Vậy mà dân không tin, các bà con gái cứ vội vàng cắt hết móng tay, không dám thoa son làm điệu, không dám trang phục chỉnh tề, guốc cao gót bẻ gót cho hết cao và sau cùng thì vội vã đi lấy chồng. Đám con trai được quyền lên giá. Há.

Tôi mặc áo sơ mi trắng với cà vạt xanh. Mê mặc áo dài nữ sinh, xem em thật dịu dàng. Đời em và tôi bắt đầu bằng sự giản dị trước hết.

Nhưng những ánh mắt người lớn trong đó có ánh mắt e dè của cha tôi áng chừng như, tuổi trẻ hôm nay xây dựng cuộc đời riêng trong một chế độ chưa hề biết xây dựng.

Lạy tạ ơn tứ thân phụ mẫu, dưỡng dục sinh thành. Tôi thì thầm với Mê:

-" ♪♪♪...dù cho mưa hay cho bão tố có kéo qua đây, dù có gió, có gió lạnh về, có lá sầu gầy. Mình ơi, anh vẫn yêu em" (Niệm Khúc Cuối -Ngô Thụy Miên)

Mê chớp mắt, mắt nàng đẹp như trời mưa nhẹ

Biết rằng bám lại Sài Gòn thì đói rã họng vì chỉ có biết bán các vật dụng trong nhà mà ăn từ từ chứ đâu có công việc gì làm? Tôi xin cha mẹ hai bên một ít tiền cùng tiền của tôi và của Mê gom lại. Tôi mua một ...chiếc thuyền.

Mê trợn mắt tròn xoe.
Cha tôi la lên:

- Trời ơi!

Những người dân thành thị làm gì biết đi thuyền? Tôi giang hồ tứ chiếng, tôi từng trải ở vùng 4 kinh ngòi sông rạch. Chuyện lái thuyền chèo ghe với tôi như dân Sài Gòn phóng xe Honda Dame vậy.

Vợ chồng son tụi tôi sẽ chèo ghe đi bán hàng bông.
Nhất định tôi sẽ đưa Mê ...

Xuống Xuồng Về Quê

Xuồng tôi cũng khá lớn nên người ta gọi là ghe.
Ghe tôi gồm hơn 9 mảnh ván góp lại, nên người ta gọi là tam bản, mà ghe tam bản của tôi coi ra lại thấy lớn hơn loại tam bản thường, do đó người miền quê gọi là ghe tam bản ...bự.
Tôi mua lại của thằng Hổ.
Hổ là bạn cùng đơn vị hồi xưa. Kỳ tan hàng năm 75, Hổ có nói với tôi là nó về quê vợ ở Hộ Phòng, Bạc Liêu. Và sau này khi có ý thối lui về vùng 4, tôi nảy ra ý định đi tìm Hổ, dù không hề biết địa chỉ nhưng khi tôi hỏi Hổ chồng của cô Dần thì người ta chỉ cho tôi trúng phóc.
Từ chợ Hộ Phòng đi vào nhà Hổ phải đi bằng tắc ráng chứ không có đường xe. Vợ chồng nó có một hàng đáy và 5 công ruộng, hễ con nước sắp lớn thì nó thả đáy kiếm cá tôm, còn khi rảnh thì lội ruộng thăm lúa. Hai vợ chồng hai đứa con lúc nào cũng thoải mái hơn dân ở Sài Gòn.

Hai đứa gặp nhau mừng lắm! Thôi thì cứ huyên thuyên.
Nó ra kéo cái vó, những con tép bạc nhảy múa trong đó, hú một tiếng gọi mấy bạn bè chòm xóm, cả đám nhậu suốt một đêm.
Trong đám nhậu có anh Thân, anh cũng lớn tuổi rồi, có đến 9 đứa con, nhà ở tuốt Cà Mau, anh lên Hộ Phòng thăm cô Dần là em ruột.

Anh Thân trước kia là giáo viên dạy bậc Tiểu Học, nay anh là sư phụ tổ chức vượt biên. Anh lùng sục mua những ghe biển ghe cào nhỏ tu sửa lại và kiếm mối tìm người vượt biển.
Anh có quen với một xóm biển kia toàn là người của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà đứng đầu là Sáu Dân với thằng Dám. Tôi cũng có theo anh Thân ra xóm biển đó nhậu nhẹt hết mấy ngày để quen mặt và thuộc đường vì anh Thân sẽ bỏ tiền ra để gắn cái máy cũng như lợp khúc mui ghe cho tôi, bù lại tôi phải hứa sẽ lòi người ra tàu lớn 2 chuyến cho anh khi anh cần. Tôi chấp nhận làm chuyện đó nhưng tôi không có nói cho Mê nghe.
Anh Thân dặn tôi rằng:"Với đàn bà mình phải làm vài chuyện lén, chỉ vài chuyện thôi, đừng làm nhiều quá thì hay bị lộ vì người đàn bà là thầy của các bậc tiên tri, cũng như bà lão mù người Bulgary, Vanga Dimitrova đã từng tiên đoán chính xác về thảm họa nổ tung nhà máy nguyên tử Chernobyl, có đúng hông? Tuy nhiên nếu bao giờ bị bể thì mình phải chối biến đi liền"

Tôi không coi câu đó là khuôn vàng thước ngọc nhưng tôi nghĩ thà là một người bị hồi hộp còn hơn là cả hai phải cùng lo âu. Cứ để yên cho Mê thắc mắc về những lục bình từ đâu đến mà trôi sao nhiều quá? Tôi phải lo chuyện cơm nước và tương lai, những chuyện đó đầy hồi hộp và gay cấn lắm rồi.

Ghe được gắn thêm máy và được lợp mui, tôi và Mê thấy thoải mái hơn nhiều. Tôi không còn phải gò lưng bước tới bước lui theo nhịp chèo. Mê cũng không còn phải nhẫn nhục thò cánh tay xuống nước quạt quạt cho nhanh hơn mà cho kịp con nước. Ghe tôi chạy vù vù.
Mới mấy tháng sống cuộc đời trôi nổi trên kinh rạch sông ngòi, Mê đã hòa vào cuộc sống đến độ kinh ngạc. Nàng đã mạnh dạn nhảy ùm xuống sông, tay vịn bẹ ghe khi muốn làm chuyện tiểu tiện, đó là khi nói về hãy còn là chèo, nhưng nay đã có máy gắn trong lòng thì tôi đã đóng 4 miếng ván thành hình hộp cho phòng tiêu tiểu de ra ở phía sau của ghe để hầu theo kịp đà văn minh của chế độ. Duy chỉ có điều Mê vẫn còn phải trùm nón lá che mặt khi bước vào phòng lộ thiên đó vì nàng vẫn còn mắc cỡ khi làm chuyện ấy với gió hây hây thổi.

Mê cũng đã biết lái ghe, đẩy cần qua phải để quẹo trái và qua trái để quẹo phải cũng nhưđã dám thòng ngược người xuống để tháo bỏ những đám lục bình cuộn vào chân vịt. Mê trở thành Phó Tổng Bí Thư của con...xuồng quốc gia chỉ có hai đứa.

Nay thì tụi tôi có thể đi xa hơn là cứ chèo vòng vòng vùng Hộ Phòng, Giá Rai mua đồ hàng bông ghé chợ bán lại.
Tụi tôi đi thẳng lên Sóc Trăng băng qua Cù Lao Dung, nơi mà những người dân vẫn còn chưa dám mặc áo quần màu sáng mãi từ thời Pháp thuộc. Vì họ sợ là chỉ điểm của những cuộc oanh tạc của phi cơ. Họ mặc áo quần màu nâu hay màu đen để hòa với đất.
Tụi tôi không biết điều đó, Mê mặc áo bà ba màu xanh, tôi mặc áo thung màu trắng vào rẫy của họ hỏi thăm mua chuối khoai lang khoai mì, họ nói chuyện mà cứ nhìn lên trời lo sợ máy bay đầm già rồi họ biểu tụi tôi thay áo quần cho họ yên tâm.

Theo sông nước kinh ngòi, ngược giòng Cửu Long thuyền tôi lên đến Cần Thơ, vựa trái cây miền Nam nước ngọt. Ngang qua Trà Ôn lên đoạn nữa gặp Trà Nóc có những quán cà phê người Tàu bán lá trà xanh. Tụi tôi đưa thuyền quành lại Cái Vồn rồi xèn qua Cái Khế mua chôm chôm măng cụt.

Cuộc nổi trôi trên kinh ngòi có những buổi chiều vàng ngồi trên mui ghe, chân quặp vào cần lái, tôi nhâm nhi hũ rượu Tắc Kè mua ở Tắc Sậy, đốt lên điếu thuốc rê nghe Mê đang dựa lưng kể lại chuyện Sài Gòn.
Sài Gòn có những con đường mòn, mòn gót nhiều cặp tình nhân.
Nơi đây, tôi và Mê có những lục bình đẩy đưa niềm ân ái. Mê đã có bầu, hài nhi trong bụng Mê theo từng cơn sóng nhẹ của những con sông hiền hòa đang lớn dậy.
Cho đến bữa kia, anh Thân nhắn tôi chuẩn bị ...

Đưa Người Ra Biển

Xe đò ngừng lại ngay chợ Hộ Phòng.
Thằng Hổ nhảy xuống trước, đoạn 6 người vừa đàn ông, đàn bà và 2 em nhỏ theo xuống sau.
Mỗi người xách trên tay một cái bịch hay một cái giỏ. Ai cũng ngơ ngác vì lạ cảnh, áo quần đầu tóc mặt mày chẳng giống chút nào là dân địa phương, có chị kia cũng mặc bà ba đen nhưng mà còn mới tinh. Thoáng nhìn qua thì ai cũng biết nhóm này đang tính chuyện đào tẩu đây.

Tôi vội vàng xấn lại nói to, giọng mừng rỡ:

-"Chị Ba, em nè chị Ba, Dê nè, đen quá hả? Chị nhìn không ra hả?" rồi nhỏ nhỏ giọng tôi nói:"Chị Ba à, làm ơn cười cười cái coi" Chị sợ sệt cười như mếu.

Tôi kéo đại tay anh kia:

-"Anh Ba, má mạnh khỏe hông anh? Hai đứa con của anh đây hả?" Thằng chả tính lắc đầu nhưng thấy cái nheo mắt của tôi thì dả gật gật.

Tôi bỏ nhỏ:"Anh cười lớn lên cái coi"
Dả cười khà khà làm cả đám cũng cười theo khà khà.
Tôi kéo anh Ba và chị Ba cùng hai đứa nhỏ đi thẳng vô chợ bỏ mặc thằng Hổ với mấy người kia.
Đột nhiên có một bà rượt theo:

-"Ới trả con tui lại!"

Tôi muốn són đái trong quần nhưng cũng phải làm tỉnh nói:

-"Chời, chị Nga, em mới dẫn con chị đi ăn bún mắm mà chị la làng um sùm dậy?"

-"Tui cũng theo nữa" Bà mà tôi gọi đại là Nga trả lời.

Hên là không có ông nào rượt theo đòi vợ.

Tụi tôi đi tới hàng bún mắm kéo ghế ngồi xuống. Nhóm thằng Hổ cũng rề rề đi theo. Tôi hoảng hồn nháy mắt, mầy dẫn qua ăn hủ tíu đi, chứ ngồi chùm nhum một đống thế nào cũng bị công an Hộ Phòng tóm cổ.
Tụi tôi phải đợi 2 tiếng nữa con nước mới lớn, mới có thể xuống ghe về nhà thằng Hổ.

Mê thì đang giữ ghe đậu sau lưng tiệm sửa máy của ông Sáu Mẫn. Dù anh Thân có dặn tôi đừng cho Mê biết nhưng làm sao tôi đừng được? Đời tụi tôi chỉ có hai đứa! Giấu nhau cái gì ông hai?
Tôi mua một tô bún mắm đem xuống cho Mê.
Mê hỏi:

-"Mấy người lận Dê?"

-"Tám"

-"Họ đang ở đâu?"

-"Ở trên chợ"

-"À,"

-"Anh sẽ đem bớt hai người đàn ông xuống ghe trước nha"

-"Dạ"

Những người đàn bà khi vô chợ thì họ trở thành dạn dỉ và tự nhiên hơn, còn các ông đàn ông thì sao cứ lúng túng như đi lạc vào thế giới xa lạ.
Ém trong nhà thằng Hổ qua đêm đó thì hôm sau anh Thân đưa đến thêm 2 người nữa và dặn hễ nước bình thì phải khởi hành để kịp chuyến ra khơi buổi khuya. Mật hiệu với tụi thằng Dám là đèn pin chớp 331, chớp 332 là bể ổ.

Nước vừa bình trước khi ròng thì tôi và Mê đưa đám người đi, những người đàn ông thì cứ xà lỏn áo thung ung dung ngồi nhậu, đàn bà thì cứ rọc mía nấu cơm làm cá ăn chiều. Trên ghe còn nhiều mía và trái cây.

Có chị kia hỏi nếu gặp công an thì mình ăn nói làm sao?
Tôi trả lời là cứ nói ra xóm biển ăn cưới, cứ nói là quen với Sáu Dân và thằng Dám và cùng lắm thì mình mỗi người một mớ hối lộ cho tụi nó.
Nhưng tôi biết là suốt đoạn đường đó không có công an, ra gần tới cửa biển Gành Hào mới đầy dẫy, tuy nhiên tôi sẽ quẹo vào kinh rạch trước đó một đoạn xa rồi luồn lỏi tới xóm chài và theo nhiều đường lạch nhỏ để ra ngoài biển.
Cửa Gành Hào là để cho những ghe đánh cá lớn đi mà thôi. Với tam bản thì không ai nghĩ rằng sẽ dám ra biển vì dễ chìm không nhảy được sóng vì mũi không cao. Mà tam bản lường cũng không sâu nên không sợ mắc cạn.

Tôi chớp đèn 331 cho thằng Dám, nó chớp lại an toàn.
Rồi nó dẫn đầu cùng với mấy chiếc giỏ lải chở thêm một số người nữa xé nước chạy ra tàu mẹ.
Mây che trăng mờ mờ, gió thổi mạnh, sóng dập dình, người ta nắm níu nhau leo qua tàu mẹ. Tàu mẹ là chiếc ghe cào không to lắm có cái mũi cao để chẻ sóng đang ình ình tiếng máy nổ.
Nhóm người đã lên hết, bỗng nhiên từ trên tàu mẹ anh Thân nhảy xuống ghe tôi:

-Chết cha rồi Dê ơi! Thằng tài công nó không chịu ra. Giờ làm sao bây giờ?

Tiếng gió thổi át đi lời ảnh.

-"Vậy chứ ai lái tàu ra đây?" Tôi hỏi

-Thằng Hổ

-Vậy anh nói nó đi luôn đi

Hổ cũng từ bên tàu nhảy xuống:

-Tui đi hổng được đâu anh Thân à, vợ con tui còn kẹt ở nhà á! Hay là mày đi đi Dê?

Anh Thân cũng nói thêm:

-Dê với Mê đi luôn đi.

Mê và tôi nhìn nhau lưỡng lự.
Tụi tôi đã có ý định vượt biên từ lâu, những đêm cặm sào ở mé sông hai tôi thường nằm nhìn trăng, vẽ ra một cuộc sống đoàn tụ dưới mái ấm gia đình, có cha có mẹ, có những ngày lễ giỗ cùng nhau ngậm ngùi chia sẻ. Con cái sẽ phải học hành đầy đủ, có được tự do để phát triển, chứ không thể sống đời trôi nổi như chúng tôi, không nhà không cửa không cột trụ.
Tụi tôi bao lâu vẫn coi nhà của thằng Hổ như là nhà của mình, một chỗ để dừng chân giữa hai chuyến lang thang trên kinh rạch.
Tụi tôi dự định sẽ tìm cách đưa hết cả gia đình cha mẹ, anh chị em hai bên, qua vùng trời tự do có nắng ấm để sống được đời của con người.

Nay sự thể xảy ra thế này, tôi và Mê có cơ hội liều một chuyến để vượt thoát, lành dữ chẳng biết ra sao?

Tôi nhìn Mê. Mê nhìn tôi.
Tôi gật đầu. Mê cũng gật đầu.

Anh Thân mừng ra mặt:

-Anh sẽ bán ghe này đem tiền về Sài Gòn giao cho ba má tụi em, cho anh địa chỉ nhà hai em đi.

Tôi và Mê viết vài giòng gửi về gia đình.
Chắc chắn mẹ tôi sẽ đầm đìa nước mắt.
Chắc chắn cha tôi sẽ Trời Ơi tiếng rõ to.
Tôi và Mê đã quyết định ...

Vượt Trùng Dương

Chiếc ghe cào xoay một vòng, lúng túng tôi không biết đi về hướng nào, biển sao mênh mông, đêm sao tối ngòm.
Thằng Dám trước khi quay mũi giỏ lải về đất liền, nó gào lên trong tiếng gió, hướng đó đó.
Tôi ngạc nhiên sao trong đêm đen mà nó phân biệt được hướng nào?
Nhìn theo tay nó chỉ, tôi ngộ ra, dù mây che đi mặt trăng nhưng vùng đó vẫn mờ sáng hơn tất cả, à hướng Tây. Tôi nhắm mắt mường tượng lại bản đồ, chênh chếch hướng Tây là Thái Lan. Đúng rồi, tôi lấy mũi ghe chếch về phải khoảng 10 độ của mặt trăng. Từ đó, cứ vậy tôi đi.
Sóng nước bây giờ đã nhồi từ sau mông đưa đến, Mê ngồi kế bên mồi cho tôi điếu thuốc. Tôi chỉ hướng cho Mê thấy và đưa cần lái cho nàng. Nàng cũng có cảm giác là mình đang xuôi theo giòng.

Đó là tháng Năm nhưng biển vẫn còn êm như lụa. Giờ thì ai cũng đã quen với gió, gió không còn lồng lộn nữa, gió chỉ còn là vi vu.

Tàu lướt đi 4 đêm 4 ngày, tụi tôi thấy những hàng cây tre trồi lên giửa mặt biển, trên đó viết chữ ngoằn ngoèo của Thái Lan.
Cả tàu mừng quá la lên đến Thái rồi, đến Thái rồi!

Nhưng niềm vui chợt tắt ngúm vì tụi tôi thấy từ xa 2 chiếc tàu cao ngất xịt khói đen phóng đến thật dữ dằn. Tôi bỏ chạy nhưng chẳng mấy chốc thì chúng bắt kịp.
Những thằng hải tặc Thái Lan với 2 khẩu M16 và dao búa nhào xuống ghe, giật phăng tất cả đồng hồ dây chuyền, bới tung hành lý kiếm vàng vòng. Đoạn bắt tất cả đàn bà con gái lên tàu chúng và giồng tàu tôi đến đảo Koh Kra.
Vừa bước chân lên đảo, thoáng thấy Mê cùng đứng với những người đàn bà. Tôi vùng chạy tới nhưng hai gã giữ tôi lại, thằng thứ ba đấm thẳng vào mặt tôi, đom đóm tóe ra, tôi gục xuống nhưng tôi vẫn còn nhìn được Mê. Nàng bị kéo xệt đi, cát quệt lại một đường dài.
Trong ánh mắt hốt hoảng tuyệt vọng của Mê có lồng theo sự thất vọng kinh khủng. Nỗi thất vọng vì tôi không bảo vệ được nàng. Bóng tối và ánh sáng quay cuồng dữ dội trong óc, tôi ngất đi.

Ba ngày dài tôi nằm liệt trong cơn giận dữ, chúng dùng súng để không chế đám đàn ông, còn đàn bà thì chúng mang khuất qua bên kia hảm hiếp. Ôi còn nỗi đau lòng nào hơn cho tôi, ước gì tôi có được một khẩu súng, một khẩu M72.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc ra đảo mang chúng tôi về đất liền.
Những niềm tủi nhục ngậm ngùi.
Những người đàn ông cúi đầu trong nghẹn ngào, uất hận.
Những phụ nữ mang vết thương lòng khôn nguôi.

Và rồi dù gì đi nữa, chúng tôi cũng phải khiêng niềm đau đớn cùng hành trang qua ...

Xứ Lạ Quê Người

SpringField, Ohio

Về cánh đồng mùa Xuân nhưng Mê và tôi không tạo được mùa Xuân trong mái ấm.
Nàng đã tránh mặt tôi không trò chuyện nhiều như ngày xưa nữa và bao giờ cũng dùng thật nhiều thì giờ để lặng lẽ dùng khăn ấm lau tay lau chân cho bé Mãi, nàng ngắm nghía gương mặt của con nhỏ, đoạn thở dài và đưa khăn lên lau mặt con, ý chừng như không muốn con nàng mang những vết nhơ uế từ nàng truyền sang.

Sau những giờ mệt mỏi làm công ở những cánh đồng bắp, tôi dùng thì giờ để khuyên lơn an ủi và xin lỗi những tai nạn của cuộc đời xảy đến cho Mê mà những tai nạn ấy làm Mê đau nhiều nhưng đã làm tôi đau còn nhiều hơn nữa. Vì tự trong thâm tâm của tôi đã mang một mặc cảm nặng nề là không đủ khả năng để bảo vệ cho người vợ bao giờ cũng nhỏ nhẹ "tùy anh", người tin tưởng tuyệt đối vào tôi và nay người vì tôi mà mang niềm thất vọng.
Tôi muốn uống rượu thật nhiều cho quên sự cắn rứt kia đi, nhưng khi nhìn con bé Mãi, tôi thấy tôi không cần uống rượu nữa mà tôi sẽ dành tất cả tình thương cho con tôi.

Đến một ngày kia, có lẽ sự ẩn ức đã khiến Mê chọn một quyết định, nàng để lại một lá thư trên bàn "Sao anh không táng em một bạt tai thật mạnh? Sao anh không nguyền rũa em một lời? Sao anh không cứu em lúc đó? Sao anh không để em phá thai?"

Thư nàng làm sao tôi biết đường trả lời?

Tôi qua nhà bà Kathy nhận con về, ôm bé Mãi trên tay tôi thì thầm, hai cha con mình chờ mẹ về.

Nhiều mùa Đông tuyết phủ, nhiều lắm những đêm tôi ngồi khơi bụi than lò sưởi, trong tiếng nổ tí tách cuả cây củi tôi thấy hồng lên khuôn mặt của Mê, tôi thấy con thuyền tam bản của tụi tôi đang xuôi theo giòng và tiếng cười trong trẻo của nàng.

Mãi ngước lên nhìn tôi, khuôn mặt Mãi y như Mê, dịu dàng. Năm nay là năm cuối Trung Học của Mãi. Nàng hỏi:
-Ba nhớ má hả?
Tôi gật đầu. Tôi từng trả lời cho Mãi nghe là má con bị thương nặng trong lòng phải đi chửa bệnh hồi lúc Mãi hãy còn nhỏ và hỏi mẹ con đâu? Đến khi nàng lớn lên thì tôi kể hết những gì xảy ra lúc đi vượt biên. Mãi đầm đìa nước mắt nói nhỏ:"Con là con ruột của ba má mà phải không?" Tôi ôm con vào lòng, yes, yes ...

Cái nông trại nhỏ của cha con tôi nhờ những tháng năm dài làm quần quật để quên đi những gì không cần nhớ đã trở thành một kiểu mẫu xóm làng ở Việt Nam, nghĩa là cũng có cổng Tam Quan chào đón, có hai hàng cây cau, có sân rộng nện đất cho rắn để thành sân đình, với bóng mát của nhiều cổ thụ, có ngôi miếu nhỏ kề bên, tôi và Mãi lui cui đào giếng. Mãi và tôi lái xe xúc đất làm thành con rạch, mùa mưa có nước chảy quanh nhà. Hai cha con đi xa nửa ngày trời cắt tranh lợp thành mái phủ bên trên lớp ngói. Và có cây cầu tre.

Thì đột nhiên hôm kia có người vào hỏi mua đứt luôn nông trại, mùa bắp tôi cũng đang rộ nở.
Tôi và Mãi cương quyết lắc đầu dù họ trả giá nhiều gần gấp đôi của giá trị.
Tôi và Mãi cương quyết giữ một chỗ để đợi Mê về.
Tôi biết Mê sẽ về.

Nhớ hồi trên thuyền lang thang bến nước, Mê ao ước được mở cửa một căn nhà để biết à ta đã về nơi tổ ấm, nhà to hay nhỏ, rộng hay hẹp cũng là một nơi chứa đầy sinh khí tự do thoải mái.
Bởi vậy trên hai cánh cửa gỗ dầy ở căn chính, tôi cặm cụi khắc tên mỗi đứa một bên. Sau này lớn lên, Mãi cũng dùng dao nhọn uốn éo cho thành Dê Mê Mãi coi như là dấu ấn của cả ba.

Khi tôi từ chối thì họ lộ vẻ thất vọng, họ đề nghị là trả tôi một khoản tiền để dùng nông trại làm hậu cảnh cho một đoạn phim sắp quay.
A! Đây là đoàn quay phim người Pháp hèn gì âm tiếng Mỹ của họ nghe nhè nhẹ tựa tiếng Việt Nam.
Mãi thì mê phim lắm, mắt nàng sáng hẳn lên. Làm gì có dịp để chứng kiến những cảnh quay phim ở xứ khỉ ho cò gáy này? Tôi cũng tò mò, ừ để coi đằng sau hậu trường như thế nào?

Họ rầm rộ đem từng đoàn xe tải chở dụng cụ đến, xây những căn lều dã chiến cho các nam nữ tài tử đóng phim. Tôi mời họ cứ sử dụng tạm nhà tôi, có bộ phản uống trà, có những cột trụ khắc vân một vòng tay ôm không xuể.

Phim họ quay là đoạn của một phụ nữ Pháp sang Việt Nam tìm người tình Việt Nam có một thời du học ở Pháp. Hai người yêu nhau nhưng xả hội và gia đình thời đó không chấp nhận cho tình yêu khác nòi giống. Người phụ nữ muốn làm một cuộc đả phá các hủ tục để tình yêu giữa loài người không còn phân biệt chủng tộc nữa.

A! Vậy là có tài tử Việt Nam nữa, hy vọng không phải là ông Đơn Dương.

Tôi thấy ông đạo diễn cứ gay gắt với ông tài tử Việt hoài, tôi mới thắc mắc hỏi Mãi vì Mãi tiếng Pháp giỏi lắm là ông đạo diễn cự cái gì? Mãi nói, "Ông đạo diễn muốn ông Việt phải rầu rầu chờ đợi người tình Tây mà ông Việt không chịu rầu cứ ngó đâu đâu, kìa ba thấy, ông đạo diễn lấy hai bàn tay banh cái miệng rồi kéo xuống thì có nghĩa là phải sầu bi lắm mới được, vậy mà ông Việt không rầu được nên ông đạo diễn cứ kêu cắt cắt hoài"

Tôi thở dài, lấy điếu thuốc ra hút, không ngờ đóng phim một đoạn ngắn như vậy mà cũng lắm công phu từ sáng mãi đến trưa. Chợt tôi nghe bà phụ nữ Pháp xổ ra một tràng dữ dội với ông đạo diễn làm ông đạo diễn quýnh lên.

Tôi hỏi thì Mãi trả lời:

-"Bả hăm dọa nếu mà ông Việt còn...cà chớn vậy thì bả bỏ luôn chẳng có qua Việt Nam tìm người tình ...xin lỗi ba ...làm con mẹ gì nữa. Bả chửi thề chứ không phải con à nha ba!"

Ông đạo diễn buồn bực biểu thôi tất cả nghỉ, đi ăn cơm. Chữ ăn cơm thì tôi hiểu, "à la táp" hồi đó ở Việt Nam nói hoài.

Tôi bước ra ngoài sân định mang cây chổi tàu cau cất trong nhà, nhưng bỗng ông đạo diễn nhíu mắt nhìn tôi một cách ngạc nhiên rồi vội vàng bước tới chìa tay:

-Bonjour! Parler-vous Francais?

Tôi bắt tay ông:

-Non, non Francais, Anglais sồ sồ

Ông liền bật qua tiếng Việt:

-Ông có muốn đóng phim không?

Tôi liền nhảy nhổm:

-Giỡn hoài cha nội!

-Hổng giỡn đâu, nói thiệt đó. Đứa nào nói láo làm con liền

-Rồi, OK, thử há? Rầu rầu thương nhớ chờ đợi phải hông?

-Ừ ừ...quay phim, quay phim, bà Pháp lại đây, ngó!

Tôi ngồi xuống chỗ anh Việt, tôi nhìn bà Pháp, tôi tưởng Mê, tôi buồn. Tôi biết Mê sẽ về. Tôi biết Mê hãy còn yêu tôi và con quay quắt. Giá nào tôi cũng chờ Mê, anh đang đợi Mê ơi, vết thương em lành chưa?
Gương mặt tôi hiện lên chữ waiting rõ ràng, mà rõ ràng là tôi đang wait.

Bà đầm Pháp liền xà xuống:

-Anh, những ngày xa nhau anh có làm nên bài thơ?

-Có, bài dài hàng thế kỷ. Những mùa Đông lạnh hay những mùa Hè khô, những mùa Thu lá đổ hay mùa Xuân nụ nẩy mầm đều nằm trong ánh mắt em tất cả.

Bà đầm chu môi đòi hôn tôi sau bao ngày xa cách. Làm sao tôi hôn bà được? Tôi chỉ hôn mỗi mình Mê. Bà đầm ngước mắt nhìn đợi, mắt bà trong, mắt bà có mùa Thu chết trong đó. Bần thần tôi tưởng mắt Mê. Tôi muốn hôn Mê, hôn lên mắt bao nhiêu đợi chờ. Tôi xiết bà đầm, tôi tưởng Mê, tôi hôn từ mắt đến môi, tôi hôn cuồng nhiệt.
Đám đông vỗ tay, tôi tỉnh mộng, tôi nhìn lên. Mãi nhìn tôi nhăn mặt.

Những đoạn tình tứ, ôm vai bà đầm bước rảo kể cho nhau nghe chuyện lúc chia xa, tôi cũng vẫn tưởng đó là Mê, tôi kể chuyện dài, tôi cười rộn rã. Mê tôi đã về. Nhưng lúc thảng thốt khi nhìn ra lại thấy bà đầm chứ chẳng phải là Mê đã khiến khán giả cùng đạo diễn vỗ tay tán thưởng như những chấm phá của tình cảm được bộc lộ thật chân tình.

Cuốn phim đưa tôi lên đỉnh cao danh vọng.
Chiếu bên Pháp, người ta gào lên: Dê Dê
Chiếu bên Đức, người ta gào lên: Dê Dê
Chiếu bên Mỹ, người ta gào lên: Goat Goat

Tôi đưa Mãi đi cùng khắp Âu Châu, tôi đưa Mãi đi vòng quanh xứ Mỹ.
Ba tháng sau, tôi và Mãi trở về nông trại.

Qua cửa Tam Quan, qua cây cầu tre tôi bỗng thấy bùi ngùi, chợt tôi nghe mùi hương quen thuộc, chợt tôi cảm tiếng con tim nhẹ nhàng. Hình như trong gió có gì gần gủi, hình như trong nắng có gì thân thương.
Nhưng mà ...

Ai kìa đang ngơ ngẩn nhìn hàng tên trên cửa?
Ai kìa sao lại mặc áo bà ba?
Dáng ai sao nhẫn nại?
Ơ, ai như là em? Có phải là Mê? Hay tôi đang mê? Tóc em vẫn dài, dáng em vẫn dịu.
Đúng là Mê rồi!

Nàng xoay người lại, nước mắt đã đầm đìa. Hai cha con tôi chết sửng. Mãi nhận ra ngay đó là mẹ dù Mãi chỉ biết nàng trong một tấm ảnh chụp ngày xưa.
Mê vẫn vậy, em vẫn vậy. Có chăng là vết thương em đã lành. Em đã là y tá, em đi khắp các trại tị nạn chữa lành vết thương nạn nhân và vết thương em.
Tôi ôm chầm lấy Mê, Mê ôm chầm lấy Mãi. Dê Mê Mãi, chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Như trong mơ.
Mê nhìn tôi trong phim, Mê biết vết thương tôi vẫn còn, Mê về Mê chữa tôi lành hẳn.
Tôi biết, tôi phải giữ lại nông trại vì có ngày Mê sẽ về và nay Mê đã về thật.

-Kiến Hôi-

 


 


VĂN CHƯƠNG

Cây viết Bất Khuất

Thuyền đời
Highway of Heroes
Nắng ấm quê hương
Truyện dài Bất Khuất
Thuyền đời ơi !
Những thằng chúng tôi
Bài thơ trên đồi Bác sĩ Tín
Viên đạn vang rền
Chuyện tình trái ngang
Khối diễn hành
Bãi tập
Lễ mãn khóa
Một Đời Bất Khuất
Kỷ niệm Quân Trường - Về phép
Kỷ niệm Quân Trường - Cúp phép
Hồi tưởng chiến trường 1062 Thượng Đức
Dọc đường gió bụi
Tình Bất Khuất
Ngày xưa thân ái
Tôi đi lính
Bất Khuất
Quan Âm Tây Du Hí truyện
Làm trong sáng tiềng Việt
Hạ cờ tây
Thù dai
Kỷ niệm khó quên
Trận cuối trong đời lính của tôi
Khúc hát Quân Hành
Một nỗi đau
Thủ Đức - Tuần huấn nhục
Tâm thư của Cố Thiếu Úy Trần Văn Quí
Trận Ô-Căm
Một lần vĩnh biệt
Một lần đi
Chuyến đi cuối năm
Nhớ về mái trường xưa
Phạm Xuân Tịnh - Một cuộc đời
Những ngày tháng không quên
Tự do ơi, tự do!
Vì hai chữ Tự Do
Nghìn trùng cách biệt
Thầy Chín
Để nhớ để quên


Người lính VNCH

Soái hạm HQ5 và trận hải chiến Hoàng Sa
Ngày 19-01 Kỷ Niệm ngày Hoàng Sa nhuộm máu
Đi vào lòng địch: Câu chuyện thật của người Nhái HQ VNCH
Người bạn 101
Năm tháng tuổi thơ thuở nào
Lực lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ Hải Quân VNCH
Đối diện tử thần
Một thời để yêu
Phi Công thời chiến
Người con dâu nước Mỹ
Tưởng bỏ anh em
Đành bỏ anh em
Mai
Cuộc tuyệt thực ở trại Cổng Trời
Một đời binh nghiệp hai màu Mũ
Biệt Hải trên vùng biển bão tố
Chuyện người lính trinh sát
Nhan sắc cư tang
Niềm vuì quân trường
Sự trịch thượng
Hộ tống hạm HQ11 & Những ngày biến loạn tháng Tư đen
Bạn tôi, những SVSQ khóa 2 Học Viện CSQG
Cuộc sống của người lính chiến ĐPQ và NQ
Sông Mao, Ngày tháng cũ
Tự truyện của một phi công

Chập chùng tủi nhục
Tâm sự người lính

Nén hương tưởng nhớ bạn Dương Quang Ngọc
Một mai giã từ vũ khí
Mối tình đầu
Tình lính
Đời lính
Tàn cuộc hoa này
Nó và Tôi
Viên ngọc nát
Những năm dài qua đi... hội ngộ
Ngày Quân Lực : Lời thú tội
Nhớ An Lộc - Chuyện người Thương Binh bị bỏ quên
Nghĩ về người vợ lính
Chuyện tình với chàng cựu Không Quân Y 2 K
“Hát Ô” qua Mỹ
Anh hùng tử - Khí hùng bất tử
Thằng lính bạc tình
Cuối đường
Đó đây trên quê hương
Here and There In The Homeland
Người còn nhớ hay người đã quên
Những ngày tù chung với Ông Đạo Dừa
Cây cầu biên giới
Khu trục bọc thây
Tướng Đỗ Cao Trí và Tướng Nguyễn Viết Thanh Dưới Cái Nhìn Của Người Ngoại Quốc

Đêm liêu trai
BÌNH-TUY, những ngày cuối cùng...
Tình Anh Lính Chiến Biệt Động
Trận chiến đẫm máu của HQ/VNCH: Trận Ba Rài
Mặt trận Miền Đông vẫn yên tĩnh
Charlie ngày ấy và Charlie bây giờ
Màu cờ và sắc áo
Tù binh và hòa bình
Tây Ninh, chút còn lại trong lòng một người lính
Hoài niệm
Tâm tư và cuộc sống quả phụ
Thượng Tọa Thích Quang Long
4 ngôi mộ lính nhảy dù Vị Quốc Vong Thân
Hai người bạn
Đôi dòng về “Cỏ Thu Hoàng thị”
Cái chân gỗ
Một H.O. muộn màng
Vài hàng gởi anh Trìu mến
Thiên bi hùng ca QLVNCH
Để nhớ lại những ngày Mùa Hè Bão Lửa
Trận chiến cô đơn
Biệt đội 817 - LĐ81 BCD
Trận đánh cuối cùng của ĐPQ...
Qua những trại tù cộng sản...
Sông Mao, phi vụ ngày 30 Tết
Nước mắt mẹ già
Viên đạn cuối cùng
Điếm Cỏ Cầu Sương
Người lính ấy của tôi...
Khóc một dòng sông
Cái muỗng
Tử thủ
Những tiếng hát bừng sáng A 20
Thiên đường đỏ
Khoác áo chiến y
Chuyện tình của một Phi Công
Hai vì sao lạc
Tôi thương nhớ vợ tôi
Bông hồng tạ ơn
Viết về Lê Hữu Lượng
Chinh nhân và người tình
Tôi vào học viện Cảnh Sát Quốc Gia
Cảm nghĩ của một người Lính về Ngày Quân Lực 19/6
Nhiệm vụ
Cô gái Bình Long
Những ngày hồi đó
Ngày QL19/06 - Người Lính VNCH ... Tôi nợ Anh ..
Nhớ đến Biệt Ðội Thiên Nga
Viết về ngày QL 19/6/2011
Người không nhận tội  
Chào cô ... em gái Biệt Cách Dù
Chuyện tình chị Hạ và anh Nuôi
Huấn luyện Sĩ Quan tại Hoa Kỳ
Ở cuối 2 con đường
Đêm Cao Miên
Đồn Dak Seang
Giải toả căn cứ hỏa lực 6  Tân Cảnh
Quan Âm chí lộ
Rải tro theo gió
Một chuyến đi toán phạt
Chinh chiến điêu linh
Trại gia binh
Viết về người lính Địa Phương Quân
Người không nhận tội
Tháng 4 xót xa
Tìm lại thương đau
Nụ cười người tử tội
Ngày về
Người lính miền Nam
Phan Rang nỗi hờn di tản
Charlie, ngọn đồi quyết tử
Quốc lộ 20 - hành lang của tử thần
Gãy súng
Chuyện người Nghĩa Quân
Chuyện Người Nghĩa Quân Thờ Hình Của Chính Mình
Đại Bàng Gảy Cánh Tháng Tư
Trại gia binh
Viết về người lính Địa Phương Quân
Quốc lộ 20 - hành lang của tử thần
Phnom Penh, ngày ấy còn đâu?
Vinh danh Tướng Đỗ Cao Trí
Trung Tá Nguyễn Đức Xích "NGƯỜI TÙ BẤT KHUẤT"
Ngọn đồi cuối cùng
Nhớ hay Quên
Người lính miền Nam
Charlie, ngọn đồi quyết tử
Chú Quế
Pleiku nắng bụi mưa bùn
Mê thần tượng
Cơm cháy quân trường
Anh trai Biên Hoà, em gái Cà Mau
Giọt nước mắt Đêm Giao Thừa ...!
Kiếp người... đời lính...
Câu chuyện tù của ĐT Phi Công HK...
Dòng sông cỏ mục
Bên những bờ rừng
Đêm thánh vô cùng
Người tù kiệt xuất
KBC Một thời để nhớ
TPB Những mảnh đời bất hạnh
Mùa Đông năm ấy
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa qua những tình khúc bất tử của Một Thời Chinh Chiến
Phi vụ cuối cùng
Những người tù cuối cùng
Lửa máu hận thù
Người Lính VNCH trong kho tàng âm nhạc Việt Nam
Mẹ VN ơi - Chúng con vẫn còn đây
Khi người ta gọi bác của tôi, ba tôi và anh tôi là 'giặc' !
Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Chiếc áo phong sương tình anh nặng
Người lính VNCH trong nhạc sỉ Trần Thiện Thanh
Đêm hỗn mang
Ngỡ ngàng đời chiến sĩ
Chuyện nhớ trong đời
Để ghi nhớ tháng 4 đen
Nỗi đau thời chiến
Cọp rằn Chương Thiện
Quà cho con trong tù
Những giòng sông lịch sử đời người
Một người đi
Trận cuối 2
KBC 4100 & Tết Mậu Thân
Rừng khóc giữa mùa xuân
Lá thư tình của người lính VNCH
Cô con gái quá giang trong đêm mồng một Tết
Lon Guigoz hành trang người tù...
Con chó Vện và người tù cải tạo
Một lần toan tính...
Tấm thẻ bài
3 người chiến binh "homeless"...
Trôi theo vận nước
Trận cuối
Chiến sĩ Kha Tư Giáo
Em không nhìn được xác chàng
Chuyện buồn người vợ tù
Người Việt của tôi - Quận Dĩ An
Sao hôm, sao mai
Những lá thư tình
May mà có em
Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ
May mà có em đời còn dễ thương
Gói quà đầu năm
Cây Mai rừng của người Lính Trận
Cánh chim Thần Tượng
Ba dòng nước mắt
Những xác chết trên mãnh đất chữ "S"
Thân phận người lính gãy súng
Chuyện vượt ngục ở trại Gia Trung ...
Những mảnh đời dang dở - phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần cuối
Mưa trên Poncho
Người ở lại Saravan
Nhớ hay quên kỷ niệm thời chinh chiến
Vược ngục
Chuyện tình khoai lang
Tâm tình người lính VNCH tỵ nạn ở Thái Lan
Hồi tưởng ngày Quân Lực 19-6-73
Vinh danh người lính VNCH

Linh tinh

Dị mộng
Nhà thơ Hàn Mặc Tử
Tập thơ "đôi hồ" và một thiên diễm tình
Về Quê
Ông già bơi rác
Nhớ thời trường cũ Chu Văn An
Người chú họ của tôi
Tôi bị bắt
Nhớ lắm… những mùa Thu
Những chuyện trời ơi !
Người đồng hương
Bên đời hiu quạnh
Việt Cộng con
Phượng hồng vào Hạ
Sức mạnh của cộng đồng người Việt Quốc Gia hải ngoại
Giai thoại văn chương
Kỷ niệm nỗi trôi cùng trí nhớ
Bà xã đai-ét
Chuyện kể: Một buổi trên đường vượt biển
Những vần thơ chui
Đi tìm Jackpot
Cây cầu biên giới
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Như những giọt buồn
Một cơn đau tim….và một lần phẫu thuật
Đứa con dị chủng
Bài thơ dang dở
Thất tình
Dấu "Hỏi Ngã" trong văn chương Việt Nam
Ngày xưa thân ái...
Gió bụi một thời
Người sợ bóng
Hoàng hôn trên núi Tây
Ý yêu đương
Đêm qua sân trước nở cành mai
Vệt nắng cuối chiều
Đừng yêu người làm thơ
Tết Nguyên Đán
Đừng yêu người làm thơ
Như những vần mây
Đám cưới
Hạnh phúc muộn màng đêm Giáng Sinh
Tình... tiếc
Giáng Sinh năm nào
Ván cờ ma quỷ
Văn thơ trữ tình
Mùa Thu qua thi ca  
Phụ nữ Việt Nam qua Ca Dao
Tháng năm ngoảnh lại
Thu xưa
Thu có sầu chăng sáng nay!
Cơn mưa chiều nay
Xuôi dòng sông Hương
Nỗi niềm cố cựu
Thiện và Ác
Tóc May sợi vắn sợi dài
Tâm sự tuổi già
Xóm biển
Đi tìm tâm linh
Mấy đoạn đường đời
Tản mạn những giao thoại văn chương
Xin hãy giúp tôi
Con còn nợ Ba
Nhăm nhi bầu bạn
Một thời để nhớ
Người quét chợ
Lời tỏ tình
Bạn cũ năm mươi năm
Về lại cố hương  
Đường đi không đến
Xương trắng Trường Sơn
Về lại cố hương
Thoáng xưa
Cánh Hoa Ngọc Lan
Bước không qua số phận
Đọc thơ Trạch Gầm
Con Gà nòi
Con Mèo hay con Thỏ?
Đời vẫn đáng sống
Tết làng tôi
Bầu Bí một giàn
Nghỉ hè ở Mallorca
Chiếc xích lô chở mùa xuân
Em đi để lại con đường
Một thời con gái
Bố tôi và người tù Nguyễn Chí Thiện
Trường ca trang sử Mẹ....
Nỗi đau bẽ bàng
Khi con đường không lối thoát
Những bài ca một thời cuộc đời
Tiếng chuông ái tình
Những con cào cào xanh
Nếu chỉ còn một ngày để sống
Bố tôi
Thiêng Liêng Như Những Linh Hồn
Giấc mộng dài
Duyên số trời định
49 Ngày với em
Bài ca của người du tử
Tấm vạc giường
Cố hương, 35 năm sau
Vượt biển một mình
Hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh
Những Tết năm xưa ở Phan Thiết
Làm thinh
Màu tím trong thơ
Lệ Mừng trên cánh Đồng Chiêm
Thằng cháu nội đích tôn
Chị Cả Bống
Làm rể Ninh Hòa
Trời đất bao la
Nỗi buồn mùa Thu
Duyên Nam Bắc
Đà-lạt trời mưa
Xót xa
Tiểu thơ
Đôi mắt
Giọt mưa trên tóc
Quê tôi, ngày bé thơ lớn lên
Mùa thu cuộc tình
Cây sầu riêng sau vườn cũ
Tản mạn - Về những người bạn
Nhìn những mùa xuân đi...
Quê hương ruồng bỏ
Ba tôi và tôi
Vượt thoát
Made in VietNam
Giọt nước mắt
Ngày vô vị
Khóc lặng thinh
Đời còn vui vì có chút tòm tem
Đôi mắt Phượng
Ngưòi bán liêm sỉ
Bài ca vọng cổ
Tình già
Buổi chiều ở Thị trấn Sông-Pha
Saigon ngày ấy
Phàm phu tục tử
Thăm quê
Dấu tích ân tình
Địch thủ
Tâm
USS Midway - Ông bạn già năm xưa - English
Từ Mỹ, kể chuyện Mỹ Tho
Vài vòng Thơ, Rượu và Tết
Mùa Xuân uống rượu
Tình người
Hồi ký của một người Hà Nội
Tình nghĩa, nghĩa tình
Đôi đũa
Giòng đời... và hồi âm giòng đời...
Không cho phép mình quên
Thảm sát trên đảo Trường Sa
Em tôi
12 bến nước
Chào Mẹ
Cháo tóc
Những người không đất đứng
Vợ hiền
Theo ngọn mây Tần
Tình ngây dại